Bệnh sử chi tiết về triệu chứng – diễn tiến của bệnh cần được khai thác một cách hệ thống ở tất cả bệnh nhân có than phiền khó chịu vùng chi dưới. Các tiền căn bệnh lý về khớp, chấn thương, di chứng, phẫu thuật, điều trị trong quá khứ đều giúp gợi ý chẩn đoán. Một số yếu tố nguy cơ đặc thù cũng cần được hỏi đến như dùng thuốc ngừa thai, phẫu thuật – nằm lâu trong bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới; dùng thuốc lợi tiểu thiazide trong bệnh gout, viêm đa khớp dạng thấp trong các bệnh lý về khớp; chấn thương – chơi các môn thể thao nguy hiểm trong bệnh lý về cơ – gân cơ – dây chằng – khớp....
Việc khám lâm sàng cần bao gồm quan sát một cách hệ thống ở tất cả bệnh nhân: tư thế đứng, dáng đi, trục của chân, tư thế cột sống – thắt lưng, cấu trúc mô đệm xung quanh khớp, nang Baker, tình trạng da – lông – móng, tình trạng tĩnh mạch nông dưới da...
Việc so sánh giữa 2 chân là cần thiết. Cần lưu ý sự bất đối xứng và những bất thường khác, chẳng hạn như sưng, bầm tím, đổi màu, hoặc loét và phát ban. Quan sát kích thước và sự đối xứng của hai chân và kiểu phân bố tĩnh mạch. Tìm bằng chứng của các thay đổi do thiếu máu cục bộ, đặc biệt là ở bàn chân.
Khám ấn chẩn các cấu trúc giải phẫu để tìm các nguyên nhân tại chỗ gây đau. Nếu không phát hiện được điểm đau tại chổ, có thể đánh giá các điểm đau qui chiếu. Kiểm tra cột sống, mạch máu (động mạch và tĩnh mạch) và xương phối hợp. Các vị trí cần ấn chẩn bao gồm ụ ngồi, các lồi cầu của xương chày – xương đùi, mấu chuyển xương đùi vì đây là vị trí của các nhóm gân bám tận của cơ chi dưới; ấn có dấu căng – đau vùng cơ là biểu hiện của tổn thương tại cơ, viêm cơ, hội chứng khoang.
Đánh giá nhiệt độ của bàn chân và chân. Khám các mạch máu, bao gồm cả các động mạch ngoại vi và tình trạng các tĩnh mạch nếu thích hợp. Nếu có bằng chứng của bệnh mạch máu ngoại biên, cần nghe mạch đập ở vùng bụng, chậu, đùi và khoeo. Động mạch mu trước và động mạch chày sau cần được đánh giá hệ thống và so sánh 2 bên chân. Có thể thực hiện các nghiệm pháp khám thần kinh ngoại biên (dấu Lasèque, phản xạ gân xương, cảm giác nông - sâu) đặc biệt để kiểm tra tổn thương rễ thần kinh.
Khám các khớp, đặc biệt rất quan trọng là khớp vùng hông và vùng cùng – cụt. Đặc điểm bệnh trong khớp là có dấu khóa khớp (cứng khớp) và hạn chế biên độ gập duỗi của khớp. Các cử động chủ động – thụ động vùng khớp đều gây khó chịu – đau. Đây là điểm giúp phân biệt với bệnh lý viêm gân bám tận – tổn thương cơ vùng quanh khớp, khi đó chỉ có biểu hiện đau khi có cử động chủ động (tăng nhiều khi có kháng lực) và không đau khi có cử động thụ động vùng khớp.
Các cấu trúc dây chằng – bao dây chằng vùng khớp cũng cần được đánh giá thông qua các nghiệm pháp lắc khớp gối – khớp cổ chân, ngăn kéo trước, ngăn kéo sau, biên độ khớp.
|