Bệnh cảnh điển hình lại là tình huống bệnh nhân đến khám tại phòng cấp cứu (hoặc phòng khám ngoại chẩn) với cơn đau quặn cấp vùng hông lưng.
Đặc điểm cơn đau là xuất hiện đột ngột một bên hông lưng với cường độ mạnh (đau rất nhiều) và có thể kích thích gây nôn – ói. Đặc điểm quặn từng cơn là do có liên đến nhu động của niệu quản và tình trạng căng của bao thận do bế tắc dòng thoát nước tiểu. Trong cơn đau, bệnh nhân có thể mô tả đau lan từ vùng hố thắt lưng lan xuống vùng hông - chậu và nếp đùi cùng bên (liên quan đến đường đi của niệu quản).
Đặc điểm của thể lâm sàng này là do có sự tắc nghẽn cấp tính tại hệ thận niệu do sỏi rớt vào và kẹt ngay tại niệu quản. Việc này đưa đến tắc nghẽn sự lưu thông đi xuống của nước tiểu, gây thận ứ nước cấp và thể hiện bằng cơn đau quặn. Triệu chứng đau có thể ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng.
Vị trí của điểm tắc cấp giải thích vị trí đau. Nếu như sỏi tắc tại bể thận và điểm thận niệu quản trên, triệu chứng đau sẽ là vùng sườn lưng – hông lưng cùng bên. Nếu sỏi tắc tại điểm niệu quản dưới, cơn đau sẽ có tính chất vùng chậu, lan dần xuống dưới đến vùng da bìu cùng bên. Vị trí đau có thể thay đổi do liên quan đến sự di chuyển theo chiều đi xuống của viên sỏi. Tuy nhiên, nếu viên sỏi bị kẹt lâu tại một vị trí cố định, việc liên đới giữa vị trí sỏi và vùng đau qui chiếu sẽ không còn rõ ràng.
Đối với các thể sỏi tắc nghẽn không hoàn toàn, triệu chứng đau khá mơ hồ và dễ nhầm tưởng đến các bệnh lý khác có cùng biểu hiện đau vùng bụng dẫn đến việc chẩn đoán khó khăn và cần đến các cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ.
|