3.1. Sự khác biệt mang tính tương hỗ giữa YHGĐ và các chuyên khoa
Mối quan hệ giữa YHGĐ và các chuyên khoa lâm sàng khác được xây dựng dựa trên sự khác biệt mang tính tương hỗ giữa hai chuyên ngành này.
Các điểm khác nhau giữa BSGĐ và bác sĩ chuyên khoa sâu được tóm tắt trong bảng 1.
Bác sĩ chuyên khoa sâu
|
Bác sĩ gia đình
|
Phụ trách phần chăm sóc chuyên sâu (tuyến 2, 3) dựa nhiều vào phương tiện kỹ thuật
|
Phụ trách phần chăm sóc tuyến ban đầu dựa nhiều vào giao tiếp, quan hệ bệnh nhân – bác sĩ
|
Kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định
|
Kiến thức tổng quát về nhiều lĩnh vực
|
Mô hình lập luận sinh lý bệnh học, đơn giản hóa về sinh học
|
Mô hình lập luận phức hợp tâm-sinh lý-xã hội, tiếp cận tổng thể
|
Khai thác bệnh sử khu trú theo bệnh
|
Khai thác thông tin xung quanh vấn đề sức khỏe
|
Tiếp cận theo chiều ngang với việc đánh giá và điều trị tại thời điểm khám
|
Tiếp cận theo chiều dọc với theo dõi điều trị liên tục theo thời gian
|
Bệnh nhân đến bệnh viện với bệnh lý thường chọn lọc, có tỷ lệ mắc cao (trong quần thể bệnh nhân gặp tại bệnh viện)
|
Bệnh nhân đến từ tất cả các nguồn, đủ các chuyên khoa, phổ vấn đề rộng, tỷ lệ mắc thấp (trong cộng đồng)
|
Nơi công tác là bệnh viện hoặc các mô hình tương đương
|
Nơi công tác là tại cộng đồng, gần khu dân cư sinh sống.
|
Phương pháp tiếp cận là “xác định” và hạn chế “sai sót”
|
Phương pháp tiếp cận là “xác suất” và hạn chế “nguy hiểm”
|
Hoạt động chủ yếu là điều trị
|
Hoạt động phức hợp bao gồm điều trị, dự phòng, nâng cao sức khỏe
|
Phối hợp chuyên khoa lâm sàng
|
Phối hợp đa chuyên ngành
|
Chi phí cao về kỹ thuật và trang thiết bị
|
Chi phí cao về nhân lực
|
Hướng nhân viên y tế
|
Hướng người bệnh
|
Hướng đến bệnh tật
|
Hướng đến vấn đề sức khỏe
|
Bảng 1: Những điểm khác nhau giữa bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa công tác tại bệnh viện tuyến 2 và 3 của hệ thống y tế.
|
Sự khác biệt này xuất phát từ vai trò-nhiệm vụ đặc trưng của BSGĐ và các chuyên khoa sâu trong hệ thống y tế.
Trong đó các khác biệt mang tính tương hỗ đặc trưng, thể hiện tính toàn diện của hệ thống y tế, bao gồm:
- Đối tượng chăm sóc được bao phủ: không chọn lọc (BSGĐ) và chọn lọc (chuyên khoa)
- Tổ chức hoạt động ngay trong cộng đồng (BSGĐ) và tại bệnh viện các tuyến (chuyên khoa)
- Tiếp cận vấn đề sức khỏe vừa toàn diện (BSGĐ) và chuyên biệt (chuyên khoa)
- Áp dụng kiến thức – kỹ năng bao quát (BSGĐ) và chuyên sâu (chuyên khoa) trong chẩn đoán điều trị.
3.2. Sự phối hợp giữa YHGĐ và các chuyên khoa
Sự phối hợp giữa YHGĐ và các chuyên khoa là hoạt động không thể thiếu trong quản lý sức khỏe người dân trong cộng đồng. Sự phối hợp chặt chẽ giúp tối ưu hóa chất lượng chăm sóc toàn diện.
Phương tiện phối hợp là bệnh án YHGĐ và thư liên lạc được lưu trữ ở dạng văn bản giấy và điện tử.
Các nội dung phối hợp rất đa dạng, trong đó bao gồm 5 nội dung chính như sau.
Hỗ trợ xác định chẩn đoán với phương tiện chuyên biệt
Đây là nội dung phối hợp giúp BSGĐ xác định được chẩn đoán với phương tiện không có sẵn tại tuyến y tế ban đầu.
Ví dụ: bệnh nhân đau thắt ngực điển hình, có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch cần xác định bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý chuyên sâu, hiếm gặp
Đây là nội dung phối hợp giúp BSGĐ xác định được chẩn đoán những bệnh lý chuyên sâu - hiếm gặp trong cộng đồng, cần ý kiến chuyên môn sâu và/hoặc những cận lâm sàng chuyên biệt.
Ví dụ: bệnh nhi, đau yếu cơ chi dưới, béo phì nhưng chậm phát triển chiều cao nặng với tuổi cần xác định bệnh lý chuyển hóa di truyền.
Hỗ trợ giải quyết vấn đề sức khỏe phức tạp
Đây là nội dung phối hợp giúp BSGĐ giải quyết được những vấn đề sức khỏe mất tính ổn định nặng hay phối hợp đa biến chứng.
Ví dụ: bệnh nhân hen chưa kiểm soát tốt kèm đang điều trị tăng huyết áp và bệnh mạch vành mạn cần thay đổi phác đồ điều trị phù hợp.
Cập nhật thông tin theo dõi và quản lý bệnh
Đây là nội dung giúp thông tin giữa 2 chuyên ngành về tình trạng quản lý bệnh mạn tính trong giai đoạn ổn định.
Ví dụ: bệnh nhân đái tháo đường type 2 kiểm soát tốt, đánh giá định kỳ chưa phát hiện biến chứng cơ quan đích.
Cập nhật biến cố nếu có và quá trình được xử trí
Đây là nội dung phối hợp giữa 2 chuyên ngành về tình trạng bệnh trong giai đoạn cấp tính hoặc mất ổn định cần sự can thiệp nội viện.
Ví dụ: bệnh nhân với tiền căn được thay van tim nhân tạo vào đợt sốt nghi viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, cần được theo dõi chẩn đoán và điều trị nội viện.
Trong mọi nội dung phối hợp, về phía BSGĐ, thư liên lạc cần nêu rõ bệnh cảnh lâm sàng nghi ngờ, các đánh giá ban đầu và tình trạng nền của người bệnh. Về phía chuyên khoa, thư liên lạc cần xác định diễn tiến lâm sàng, kết quả chẩn đoán, kế hoạch điều trị tiếp theo và lịch tái khám chuyên khoa khi cần. Riêng trường hợp nằm viện, thư liên lạc cần được đính kèm bản tóm tắt quá trình điều trị nội viện và kế hoạch theo dõi hậu giai đoạn cấp tính.
|