3.1 Phát hiện sớm các dấu hiệu của phản vệ
Phản ứng phản vệ làm cho các chất trung gian hoá học (mediator) được tiết ra từ các tế bào mast và basophil như histamin, serotonin, bradykinin, leucotrien, prostaglandin…, các chất này làm giãn mạch, co thắt cơ trơn phế quản, cơ trơn tiêu hóa, mày đay, phù Quincke…
Nghĩ đến phản vệ khi xuất hiện đột ngột ít nhất một trong các triệu chứng dưới đây sau khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc không:
- Trên da, niêm mạc: mày đay, ban đỏ, mẩn ngứa, phù mí mắt, phù mặt phù, Quincke.
- Tim mạch: mạch nhanh, huyết áp tụt, ngất.
- Phế quản: phù niêm mạc phế quản, co thắt cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch, ho, tức ngực, nghẹt thở, khó thở cò cử, ran rít, ran ngáy.
- Tiêu hóa: tăng tiết dịch dạ dày, tăng nhu động ruột gây ra nôn, ỉa chảy, đau bụng.
- Rối loạn ý thức, cơ tròn bàng quang, cơ hậu môn: lơ mơ, hôn mê, đái ỉa không tự chủ.
3.2. Chẩn đoán phản vệ
Chẩn đoán phản vệ khi có 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:
Tiêu chuẩn 1: Xuất hiện đột ngột (vài phút đến vài giờ) các triệu chứng ở da, niêm mạc: ban đỏ, ngứa, phù môi - lưỡi - vùng hầu - họng và kèm theo ít nhất 1 trong 2 triệu chứng sau:
(1) Triệu chứng hô hấp: khó thở, khò khè, ho, giảm SpO2
(2) Tụt huyết áp hoặc các triệu chứng: ngất, đại tiểu tiện không tự chủ, nói sảng.
Tiêu chuẩn 2:
Xuất hiện đột ngột (vài phút đến vài giờ) 2 trong 4 triệu chứng sau, sau khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc các yếu tố giống dị nguyên:
(1) Các triệu chứng ở da, niêm mạc
(2) Các triệu chứng hô hấp
(3) Tụt huyết áp hoặc các hậu quả của tụt huyết áp
(4) Các triệu chứng tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, đau bụng
Tiêu chuẩn 3:
Tụt huyết áp xuất hiện vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với một dị nguyên đã biết.
- Trẻ em: huyết áp tối đa giảm so với lứa tuổi (huyết áp trẻ em = 70 mmHg + 2 x tuổi) hoặc giảm 30% huyết áp tối đa so với huyết áp nền.
- Người lớn: huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc giảm 30% huyết áp tối đa so với huyết áp nền.
3.3 Xử trí cấp cứu phản vệ
3.3.1 Nguyên tắc chung
- Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ.
- Bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, nhân viên y tế khác phải xử trí ban
đầu cấp cứu phản vệ.
- Adrenalin là thuốc quan trọng hàng đầu cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải
được tiêm bắp ngay sau khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên.
3.3.2 Xử trí phản vệ nhẹ (độ I):
- Là tình trạng dị ứng, chỉ có triệu chứng trên da và niêm mạc, nhưng có thể chuyển thành nặng hoặc nguy kịch.
- Sử dụng thuốc methylprednisolon hoặc diphenhydramin uống hoặc tiêm tùy theo tình trạng người bệnh.
- Tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ để xử trí kịp thời.
3.3.3 Xử trí phản vệ nặng và nguy kịch (độ II trở lên):
a/ Adrenaline
- Là thuốc phải được sử dụng đầu tiên.
- Adrenaline tiêm bắp: Tiêm bắp adrenaline là đường tốt nhất vì có một số lợi điểm: an toàn hơn so với đường tĩnh mach, không phải chờ đợi lấy ven truyền tĩnh mạch, dễ dàng hơn trong thực hành của nhân viên y tế.
+ Vị trí tiêm: mặt trước bên giữa đùi. Kim tiêm phải đủ dài để đảm bảo thuốc được tiêm vào trong cơ bắp.
+ Liều tiêm: 0,01mg/kg cân nặng, tối đa 1mg ở người lớn (1 ống 1mg = 1ml); 0,3 mg ở trẻ em. Cụ thể:
Trẻ sơ sinh hoặc trẻ < 10 kg: 0,2ml (tương đương 1/5 ống). Trẻ khoảng 10 kg: 0,25ml (tương đương 1/4 ống).
Trẻ khoảng 20 kg: 0,3ml (tương đương 1/3 ống). Trẻ > 30 kg: 0,5ml (tương đương 1/2 ống).
Người lớn: 0,5-1 ml (tương đương 1/2-1 ống).
+ Tiêm nhắc lại liều adrenaline mỗi 3-5 phút nếu tình trạng lâm sàng không cải
thiện.
- Sử dụng adrenaline theo đường dưới da hoặc đường hô hấp không được khuyến
cáo.
- Sử dụng adrenaline đường tĩnh mạch cần lưu ý:
+ Không tiêm, truyền tĩnh mạch adrenaline cho trẻ em.
+ Adrenaline đường tĩnh mạch chỉ nên dùng khi có mặt của bác sỹ chuyên khoa có kinh nghiệm dùng thuốc vận mạch (cấp cứu, hồi sức tích cực) vì: có thể gặp các tác dụng phụ nguy hiểm do dùng liều adrenaline không đúng hoặc chẩn đoán sai sốc phản vệ mà lại tiêm adrenaline tĩnh mạch; người bệnh không rối loạn huyết động, tiêm tĩnh mạch có thể gây nguy hiểm như tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim... ; đặc biệt là khi tiêm tĩnh mạch nhanh, thuốc không được pha loãng, hoặc liều quá mức có thể gây tử vong.
+ Nếu mạch không bắt được và huyết áp không đo được, các dấu hiệu hô hấp và tiêu hóa nặng lên sau 2-3 lần tiêm bắp hoặc có nguy cơ ngừng tuần hoàn thì phải tiêm tĩnh mạch chậm 0,5 -1 ml dung dịch adrenalin 1/10.000 (1 ống adrenalin 1mg pha với 9ml nước cất = pha loãng 1/10) trong 1- 3 phút. Sau 3 phút có thể tiêm nhắc lại liều trên nếu huyết áp chưa đo được. Nếu người bệnh có đường truyền tĩnh mạch và đã truyền đủ dịch, pha adrenalin với dung dịch natriclorid 0,9% liều bắt đầu truyền là 0,1 µg/kg/phút, cứ 3-5 phút điều chỉnh liều adrenalin tùy theo đáp ứng của người bệnh.
b/ Các biện pháp hồi sức tiếp theo
* Tư thế người bệnh: nằm đầu thấp (nâng 2 chân cao hơn đầu).
* Cung cấp oxy càng sớm càng tốt
- Bắt đầu dùng oxy với nồng độ cao nhất bằng mặt nạ có túi dự trữ oxy.
- Bảo đảm dòng oxy cao (thường 6- 10 lít/phút) để dự phòng xẹp bóng chứa oxy
trong thì hít vào.
- Nếu không cải thiện phải đặt nội khí quản sớm.
* Dịch truyền càng sớm càng tốt, vì:
- Trong phản ứng phản vệ, có lượng lớn thể tích dịch bị thoát mạch từ tuần hoàn ra
khoảng kẽ, do vậy cần phải bồi hoàn lượng lớn dịch thay thế.
- Truyền tĩnh mạch nhanh (20 ml/kg ở trẻ em hoặc 500 – 1000ml ở người lớn trong giờ đầu) và theo dõi đáp ứng của người bệnh để truyền thêm.
- Dung dịch NaCl 0,9% hoặc Ringer lactate là lựa chọn thích hợp nhất cho hồi sức ban đầu.
- Không có bằng chứng ủng hộ việc sử dụng dung dịch keo thay cho dung dịch tinh thể.
- Nếu việc đặt đường truyền tĩnh mạch chậm trễ hoặc không thể đặt được, đường truyền nội xương có thể được sử dụng để truyền dịch.
- Không trì hoãn việc sử dụng adrenalin tiêm bắp trong khi đang cố gắng đặt đường truyền.
* Steroids được sử dụng sau khi đã hồi sức cấp cứu ban đầu
- Corticosteroids có thể giúp dự phòng hoặc rút ngắn thời gian tình trạng phản vệ bị
kéo dài.
- Người bệnh hen phế quản, điều trị corticosteroids sớm có lợi ích hơn.
- Liều dùng tối ưu trong sốc phản vệ chưa được xác định.
- Liều hydrocortisone phụ thuộc vào tuổi:
Người lớn: 200 mg, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm.
Trẻ em: > 6 – 12 tuổi: 100 mg, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm.
> 6 tháng – 6 tuổi: 50 mg, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm.
< 6 tháng tuổi: 25 mg, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm.
* Các thuốc hỗ trợ khác:
- Kháng histamine: dimedrol (tiêm tĩnh mạch).
- Dãn phế quản: salbutamol khí dung (albuterol) hoặc truyền tĩnh mạch.
Sơ đồ chi tiết về chẩn đoán và xử trí phản vệ
|