Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định: tiêm vắc-xin là phương pháp bảo vệ hiệu quả, giúp nhân loại tránh được các bệnh truyền nhiễm. Tình trạng miễn dịch mà cơ thể có được sau khi sử dụng vắc-xin là kết quả của sự đáp ứng miễn dịch đối với các thành phần kháng nguyên có trong vắc-xin. Đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa văc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội.
Ở Việt Nam, tiêm chủng mở rộng được triển khai thí điểm từ năm 1981 và được mở rộng dần hàng năm. Năm 1985, chương trình tiêm chủng mở rộng được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước với 6 loại vắc xin. Đến nay, chương trình được triển khai ở 100% xã/phường với tổng số 12 loại vắc xin. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả góp phần thay đổi mô hình bệnh tật ở Việt Nam (tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm liên tục trong nhiều năm), nhưng trong vài năm gần đây, một số bệnh dịch đã bùng phát trở lại, đặc biệt là dịch Sởi do việc tiêm vắc- xin chưa được triển khai tốt ở một số địa phương.
Mặc dù Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản liên quan đến tiêm chủng, tuy nhiên vẫn còn tình trạng cán bộ y tế chưa hiểu biết kỹ lưỡng, đầy đủ về vắc-xin (một số địa phương tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh chỉ đạt 30-50%); một số sự cố do tiêm chủng vẫn chưa được xử lí kịp thời, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
|