1.1. Khái niệm nhu cầu
Có hai khái niệm về nhu cầu:
• Khái niệm thứ nhất, nhu cầu là một danh từ, nhu cầu là khoảng cách giữa hai cái gọi là tình trạng sức khoẻ hiện tại với cái "nên là" hay chính là tình trạng sức khoẻ mong muốn. Khái niệm nhu cầu ở đây hàm ý về sự khoẻ mạnh;
• Khái niệm thứ hai nhu cầu được xem là một động từ với nghĩa là làm gì và làm như thế nào? Đó chính là giải pháp, cách thức nhằm đạt mục tiêu cuối cùng. Trong phạm vi chúng ta quan tâm, nhu cầu là các vấn đề sức khoẻ và những vấn đề có liên quan đến hành vi sức khoẻ.
1.2. Khái niệm đánh giá nhu cầu
Đánh giá nhu cầu là tập hợp thông tin có kế hoạch, có hệ thống về các cá nhân, kiến thức, thái độ, niềm tin, nhận thức, động lực, kỹ năng và hành vi cũng như các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đánh giá nhu cầu là rất quan trọng để thiết kế các chương trình giáo dục sức khỏe phù hợp, phù hợp với sự phát triển và văn hóa. Đánh giá nhu cầu một cách hợp lý trước khi lập kế hoạch và thực hiện các mục tiêu và chiến lược của chương trình giáo dục sức khỏe.
Trong các đánh giá nhu cầu, các nhà giáo dục sức khỏe thu thập và phân tích thông tin để xác định mục tiêu và chiến lược của chương trình giáo dục sức khỏe cho phù hợp với từng cá nhân, gia đình và cộng đồng cụ thể.
Nhu cầu cá nhân có thể là cơ bản - những nhu cầu thiết yếu cho việc học tập, tăng trưởng và phát triển (ví dụ: thực phẩm, nước, nơi trú ẩn, ấm áp). Tuy nhiên, chúng có thể phức tạp hơn (ví dụ: ý thức về an toàn, an ninh và hỗ trợ cảm xúc, năng lực bản thân) và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố gia đình, trường học và cộng đồng (ví dụ: cấu trúc gia đình, nguồn lực cộng đồng sẵn có, cơ hội đóng góp).
* Phát hiện nhu cầu của người bệnh:
Một người bệnh nam giới 65 tuổi thấy đau đầu chóng mặt đến phòng khám BSGĐ khám có HA là 160/90 mmHg, ngoài ra không phát hiện vấn đề sức khỏe đặt biệt gì khác. Tiền sử người bệnh: Chưa phát hiện bệnh lý gì. Bố, mẹ mất từ khi người bệnh còn nhỏ. Nghe nói bố mất do đột quị não vì tăng huyết áp không điều trị. Mẹ thì không rõ lí do bị mất. Người bệnh rất hoang mang khi được chẩn đoán bị tăng huyết áp. Vậy nhu cầu của người bệnh là các vấn đề liên quan đến bệnh lý tăng huyết áp
* Xác định nhu cầu chăm sóc cơ bản của người bệnh:
Trong ví dụ trên người bệnh có nhu cầu được hướng dẫn thực hiện chế độ ăn nhạt cho người bệnh và gia đình (vợ con nấu ăn hàng ngày), được tư vấn về quá trình khám, theo dõi và quản lí huyết áp.
*Phát hiện nguy cơ cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng:
Ví dụ: Tại xã Linh Sơn có chị Hoa 42 tuổi sắp đẻ con so và chị Thanh có thai tháng thứ 8 có chiều cao cơ thể 1,40m. Nguy cơ của 2 bà mẹ là vấn đề sinh đẻ, cán bộ y tế cần theo dõi, chăm sóc tốt thai nghén cho chị Hoa và chị Thanh tại Linh Sơn và tư vấn cho hai chị những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sinh đẻ.
1.3. Xác định nhu cầu tư vấn, giáo dục sức khoẻ của cá nhân, gia đình và cộng đồng
Khi xác định nhu cầu tư vấn cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, chúng ta cần dựa vào phương pháp lượng giá cá nhân và kỹ năng của y tế cộng đồng, đó là:
- Xác định ra các nhu cầu sức khoẻ của cá nhân, gia đình và cộng đồng đang hướng tới.
- Xác định ra các năng lực của các cá nhân trong việc đáp ứng các nhu cầu sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng đó.
- So sánh các năng lực hiện tại của các các nhân với năng lực cần có để thực hiện các nhu cầu sức khỏe
- Xác định mục tiêu của tư vấn giáo dục sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
1.4 Xác định nội dung tư vấn giáo dục sức khỏe của cá nhân, gia đinh và cộng đồng
* Lựa chọn nội dung tư vấn giáo dục sức khỏe:
- Nội dung tư vấn GDSK là những nội dung chi tiết về lý thuyết, thực hành liên
quan đến mục tiêu tư vấn GDSK.
- Nguồn thông tin để lựa chọn nội dung tư vấn GDSK bao gồm tài liệu, sách tham khảo, những ý kiến của chuyên gia.
- Tiêu chuẩn lựa chọn nội dung tư vấn GDSK: nội dung tư vấn GDSK phải có tính chính xác, cập nhật, liên quan trực tiếp đến các mục tiêu tư vấn GDSK, thiết yếu đối với việc phát triển năng lực của mỗi cá nhân trong gia đình, cộng đồng thực hiện nhiệm vụ của đối tượng.
|