2.1.1. Truyền thông giáo dục sức khỏe
Sức khỏe là vốn qúy nhất của mỗi người, là nhân tố cơ bản trong toàn bộ sự phát triển của xã hội. Có nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe của mỗi người: Yếu tố xã hội, văn hoá, kinh tế, môi trường và yếu tố sinh học như di truyền, thể chất. Muốn có sức khỏe tốt phải tạo ra môi trường sống lành mạnh và đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực, chủ động của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ và nâng cao sức khỏe (NCSK). Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe (TT- GDSK) là biện pháp quan trọng giúp mọi người dân có kiến thức về sức khỏe, bảo vệ và NCSK, từ đó có cách nhìn nhận vấn đề sức khỏe đúng đắn và hành động thích hợp vì sức khỏe.
“Truyền thông - giáo dục sức khỏe giống như giáo dục chung, là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến suy nghĩ và tình cảm của con người, nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và thực hành các hành vi lành mạnh để bảo vệ và NCSK cho cá nhân, gia đình và cộng đồng”.
Truyền thông giáo dục sức khỏe nói chung tác động vào 3 lĩnh vực: Kiến thức của con người về sức khỏe, thái độ của con người đối với sức khỏe, thực hành hay cách ứng xử của con người đối với bảo vệ và NCSK. Trong TT-GDSK chúng ta quan tâm nhiều đến những vấn đề là làm thế nào để mọi người hiểu được các yếu tố có lợi và yếu tố nào có hại cho sức khỏe, từ đó khuyến khích người dân các thực hành có lợi cho sức khỏe và từ bỏ các thực hành có hại cho sức khỏe. Trên thực tế do thiếu hiểu biết, nhiều hành vi có hại đến sức khỏe được người dân thực hành từ lâu, có thể trở thành những niềm tin, phong tục tập quán vì thế để thay đổi các hành vi này cần thực hiện TT-GDSK, thường xuyên, liên tục, bằng nhiều phương pháp khác nhau chứ không phải là công việc làm một lần là đạt được kết quả ngay. Để thực hiện tốt TT- GDSK đòi hỏi phải xây dựng chính sách, có kế hoạch lâu dài, có sự quan tâm đầu tư các nguồn lực thích đáng. Mục đích quan trọng cuối cùng của TT-GDSK là làm cho mọi người từ bỏ các hành vi có hại và thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe, đây là một quá trình lâu dài, cần phải tiến hành theo kế hoạch, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, với sự tham gia của ngành y tế và các ngành khác. Trong TT-GDSK chúng ta quan tâm nhiều đến vấn đề là làm thế nào để mọi người hiểu được các yếu tố nào có lợi và yếu tố nào có hại cho sức khỏe, từ đó khuyến khích, hỗ trợ nhân dân thực hành hành vi có lợi cho sức khỏe và từ bỏ các hành vi có hại cho sức khỏe.
2.1.2. Thông tin
Thông tin là quá trình chuyển đi các tin tức, sự kiện từ một nguồn phát tin tới đối tượng nhận tin. Thông tin cho các đối tượng là một phần quan trọng của TT- GDSK, nhưng TT-GDSK không chỉ là quá trình cung cấp các tin tức một chiều từ nguồn phát tin đến nơi nhận tin mà là quá trình tác động qua lại và có sự hợp tác giữ người TT-GDSK và đối tượng được TT-GDSK. Việc cung cấp các thông tin cơ bản, cần thiết về bệnh tật, sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng là bước quan trọng để tạo nên những nhận thức đúng đắn của cá nhân và cộng đồng về nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Các phương tiện thông tin đại chúng như đài, ti vi các ấn phẩm có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, trong đó có sức khỏe, bệnh tật.
2.1.3. Tuyên truyền
Tuyên truyền là hoạt động cung cấp thông tin về một chủ đề sức khỏe, bệnh tật cụ thể nào đó, nhưng được lặp đi lặp lại nhiều lần, bằng nhiều hình thức như quảng cáo trên các phương tiện báo, đài, ti vi, pa nô áp phích, tờ rơi. Trong tuyên truyền, thông tin được chuyển đi chủ yếu là theo một chiều. Việc tuyên truyền rộng rãi những vấn đề sức khỏe bệnh tật ưu tiên trên các phương tiện thông tin đại là một bộ phận quan trọng trong chiến lược truyền thông giáo dục sức khỏe nói chung. Tuyên truyền qua quảng cáo có thể đưa lại kết quả tốt nhưng những thông điệp tuyên truyền liên quan đến sức khỏe phải được kiểm duyệt chặt chẽ để đảm bảo những thông điệp đó là đúng khoa học và có lợi cho sức khỏe, tránh những quảng cáo chỉ mang tính thương mại thuần túy, thiếu cơ sở khoa học đã được chứng minh và có thể có hại cho sức khỏe cộng đồng.
2.1.4. Nâng cao sức khỏe
Theo Hiến chương Ottawa – Canada- 1986, nâng cao sức khoẻ (NCSK) được định nghĩa như sau:
“NCSK là quá trình giúp mọi người có đủ khả năng kiểm soát toàn bộ sức khỏe và tăng cường sức khỏe của họ. Để đạt được tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội, các cá nhân hay nhóm phải có khả năng hiểu biết và xác định các vấn đề sức khỏe của mình và biến những hiểu biết thành hành động để đối phó được với những thay đổi của môi trường tác động đến sức khỏe”. Tuyên ngôn Ottawa nhấn mạnh đến việc NCSK cần phải làm nhiều hơn chứ không chỉ là cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đảm bảo hòa bình, nhà ở, giáo dục, cung cấp thực phẩm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường bền vững, công bằng xã hội, bình đẳng là tất cả các yếu tố cần thiết để đạt được sức khỏe. Thực hiện các nội dung này phải khuyến khích mọi người hành động vì sức khỏe thông qua những hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, hành vi và các yếu tố sinh học.
Như vậy, TT-GDSK chỉ là một bộ phận của NCSK nhằm nâng cao những hành vi có lợi cho sức khoẻ. Mặc dù vậy, thuật ngữ NCSK thường được dùng để nhấn mạnh những nỗ lực nhằm tạo ra hành vi sức khoẻ trong một khung cảnh xã hội rộng lớn hơn. Cả NCSK và TT-GDSK đều có liên kết chặt chẽ với nhau, chúng thường được dùng thay cho nhau và trong nhiều hoàn cảnh được dùng chung với nhau. Theo quan niệm về NCSK thì sức khỏe được coi là nguồn lực của đời sống hàng ngày chứ không phải chỉ là mục tiêu sống. Sức khỏe là khái niệm tích cực nhấn mạnh đến khía cạnh nguồn lực của xã hội và của cá nhân. Vì thế, NCSK không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dựa trên cơ sở là lối sống lành mạnh để mạnh khỏe.
|