a) Xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen
- Bệnh phẩm: dịch tiết từ tổn thương nghi ngờ trên da, niêm mạc, hạch…
- Soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen thấy xoắn khuẩn giang mai dưới dạng lò xo, di động.
- Đây là phương pháp đặc hiệu nhất để chẩn đoán giang mai ở giai đoạn sớm. Xét nghiệm có độ đặc hiệu cao, nhưng độ nhạy thấp (thường < 50%), nên xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn âm tính không loại trừ được giang mai.
- Xét nghiệm cần được thực hiện ngay sau khi lấy bệnh phẩm.
- Xét nghiệm cần các thiết bị đặc biệt và kỹ thuật viên đã được tập huấn, có kinh nghiệm, vì vậy thường chỉ có thể tiến hành trong các phòng xét nghiệm chuyên sâu. Đây là một trong những phương pháp có độ tin cậy cao nhất để trực tiếp phát hiện T.pallidum, nhưng tính ứng dụng không cao.
b) Xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA-direct fluorescent antibody)
- Dùng kính hiển vi huỳnh quang để phát hiện xoắn khuẩn được nhuộm kháng thể globulin kháng T. pallidum có gắn huỳnh quang.
- Bệnh phẩm được lấy như xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen nhưng xoắn khuẩn được nhuộm kháng thể gắn huỳnh quang nên dễ được phát hiện hơn, không bị nhầm lẫn với các vi sinh vật khác, nên xét nghiệm DFA có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn.
- Xét nghiệm cần các thiết bị và chế phẩm huỳnh quang đặc biệt, vì vậy tính ứng dụng không cao.
c) Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAATs – nucleic acid amplification tests)
- Xét nghiệm trực tiếp tìm ADN xoắn khuẩn T. pallidum bằng phản ứng khuếch đại axit nucleic (còn gọi là xét nghiệm khuếch đại gen, trong đó có xét nghiệm PCR).
- Bệnh phẩm: dịch tiết từ tổn thương da, mô, dịch cơ thể.
- Độ nhạy khác nhau, phụ thuộc vào bộ sinh phẩm PCR.
- Giá thành cao hơn so với các xét nghiệm chẩn đoán giang mai khác; cần có các thiết bị xét nghiệm chuyên dụng và cán bộ xét nghiệm được đào tạo để thực hiện xét nghiệm PCR.
|