1.1. Tác nhân
Ấu trùng giun đũa chó/mèo (Toxocara canis/ Toxocara cati).
1.2. Nguồn bệnh
Nguồn bệnh hay ổ chứa chính là chó, mèo nhiễm giun Toxocara spp., đặc biệt chó con là ổ chứa nguy cơ cao nhất cho người. Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ) có thể mang nguồn bệnh với tỷ lệ thấp hơn.
1.3. Phương thức lây truyền
- Người ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm trứng giun đũa chó/mèo.
- Người ăn phủ tạng hay thịt sống/chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ.
- Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
1.4. Tính cảm nhiễm và miễn dịch
Tất cả mọi người, cả hai giới đều có thể bị nhiễm và dễ bị tái nhiễm khi sống trong môi trường có bệnh lưu hành.
1.5. Chu kỳ phát triển của ấu trùng giun đũa chó/mèo
Hình 1: Chu kỳ phát triển của ấu trùng giun đũa chó/mèo (Nguồn US-CDC, 2019)
(1). Trứng giun thải ra môi trường qua phân.
(2). Trứng mang phôi phát triển ở ngoài môi trường sau 1-4 tuần thành trứng chứa ấu trùng giai đoạn 3 và có khả năng lây nhiễm.
(3,4). Tái nhiễm vào vật chủ chính và phát triển thành giun trưởng thành ở ruột non.
(5,6). Ấu trùng từ chó/mèo mẹ sang con qua đường nhau thai hoặc cho bú, phát triển thành giun trưởng thành ở ruột non.
(7). Vật chủ chứa, ví dụ thỏ bị nhiễm do ăn phải trứng giun.
(8). Chu kỳ khép kín khi chó/mèo ăn thịt các động vật này.
(9,10). Người bị bệnh khi ăn phải trứng chứa ấu trùng giai đoạn 3 trong môi trường hoặc qua vật chủ chứa.
(11). Ở người, ấu trùng chui qua thành ruột vào máu và đi đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
|