Trong bối cảnh ngoại trú, việc chẩn đoán ban đầu được thiết lập dựa trên rất nhiều các thông tin thu thập được đi kèm với than phiền chính mà bệnh nhân mang lại. Với một trẻ khò khè, chúng ta cần đi tìm những biểu hiện liên quan có thể có trên bệnh nhân như sốt, ho, nôn ói, đau ngực, khó thở tím tái…?
Với một trẻ nhỏ hơn 24 tháng tuổi khởi đầu có sốt, ho, sổ mũi, 2,3 ngày sau có khò khè, quấy khóc, thở có vẻ mệt, bú kém…kết hợp khám lâm sàng có hội chứng tắt nghẽn hô hấp dưới hoặc có thể có suy hô hấp thì có thể nghĩ đến viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ.
Hoặc với những trẻ khò khè kèm các biểu hiện ho, cảm giác nặng ngực, khó thở, phổi ran ngáy rít, có thể có suy hô hấp, hoặc xảy ra thành cơn, và đặc biệt là các triệu chứng cải thiện rõ rệt với thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn thì cần nghĩ đến tình trạng hen phế quản ở các trẻ này.
Một số trẻ có biểu hiện khò khè kèm theo sốt, ho nhiều, ho có đàm, thở nhanh, phổi có thể nghe ran ẩm nổ cần xác định chẩn đoán viêm phổi ở trẻ.
Một số trẻ đến khám vì khò khè sau một biến cố hít sặc với các biểu hiện của hội chứng xâm nhập, có thể kèm thở rít hoặc suy hô hấp thì cần ưu tiên chẩn đoán dị vật đường thở trên trẻ này và cần có những can thiệp khẩn để hạn chế hoặc giải quyết tình trạng tắt nghẽn đường thở cho trẻ. Một số trường hợp trẻ khò khè tái đi tái lại hoặc có nhiều đợt viêm phổi tái phát, nghe phổi có thể có ran ngáy rít cố định một vùng nào đó của phổi thì cần khai thác tình trạng hít sặc trước đó để đi tìm dị vật đường hô hấp bỏ quên trên trẻ.
Một số trẻ thường hay nôn ói sau bú, sau ăn no hay khi nằm và xuất hiện tiếng thở khò khè, tuy nhiên trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, ăn bú tốt, tăng trưởng bình thường thì khò khè này liên quan nhiều đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản do các chất chứa trong dạ dày trào lên thực quản và gây hít sặc âm thầm ở trẻ. Chẩn đoán này cũng nên được nghĩ đến trên những trẻ có cơ địa sanh non, dị ứng đạm sữa bò, mềm sụn thanh quản, hoặc sứt môi chẻ vòm.
|