Bệnh nhân nữ 40 tuổi đến khám tại phòng khám bác sĩ gia đình với lý do đau lưng. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có tình trạng móng tay và móng chân 2 bên bị dày sừng – bong vẩy mịn, phát triển từ bờ ngoài vào và quập móng nặng (như hình phía dưới – hình chỉ mang tính chất minh họa) vào phần da đầu móng, bệnh lan rộng nhiều móng cả vùng tay và chân (ở chân nặng hơn), màu sắc móng bình thường, không dấu nhiễm trùng cuộng móng và mầm sinh móng. Tình trạng móng đã diễn tiến từ nhiều năm qua nhưng không gây khó chịu nên BN không chú ý khám điều trị.
Tiền căn có ghi nhận chẩn đoán đau cơ lưng cơ năng tái diễn, đáp ứng tốt với các thuốc giảm đau và kháng viêm. Không có tiền căn bệnh lý nội ngoại khoa phối hợp khác. Hiện BN làm nghề bán cá tại chợ khu phố. Trong gia đình không có ai có bệnh tương tự.
Khám lâm sàng ghi nhận thể trạng tốt, da niêm hồng, sinh hiệu bình thường, không ghi nhận dấu hiệu bất thường gì đặc hiệu.
2.1.2. Câu hỏi gợi ý tình huống:
• Tình trạng bệnh của móng tay – chân là gì?
• Việc điều trị bệnh của móng cần chú ý những điểm gì?
2.1.3. Tóm tắt - phân tích tình huống
Bệnh nhân nữ, 40 tuổi, khám vì đau lưng và bệnh của móng. Khám móng tay – chân ghi nhận bản móng dầy, phát triển từ bờ ngoài vào, bong vẩy phấn mịn, đầu móng quập, không dấu nhiễm trùng. Yếu tố nguy cơ thuận lợi tiếp xúc thường xuyên với nước.
Chẩn đoán có thể nhất trong trường hợp là nấm móng thân. Việc điều trị cần sử dụng các thuốc thoa kháng nấm, phối hợp cùng với việc hạn chế tiếp xúc với nước (liên quan đến công việc hiện nay), giữ cho vùng móng sạch. Thời gian điều trị nên ít nhất là 3 tháng đối với móng tay và 6 tháng đối với móng chân.
Với tình trạng móng quặm, móng sẽ gây tổn thương da, gây đau khó chịu và gây nguy cơ nhiễm trùng tại chổ. Việc điều trị cần cắt bỏ phần bản móng quặm, điều trị tình trạng tăng sinh mô tại nền móng để giúp chỉnh lại hình thái của bảng móng. Nếu có tổn thương mầm sinh móng gây quặm móng, có thể thủ thủ cắt bỏ mầm sinh móng bị bệnh.
|