Việc áp dụng xét nghiệm (nghiệm pháp) tầm soát vào thực tế có nhiều vấn đề mà bác sĩ thực hành lâm sàng cần hiểu rõ. Một xét nghiệm tầm soát lý tưởng phải dương tính ở tất cả bệnh nhân (độ nhậy cao) và âm tính ở tất cả những người không bệnh (độ đặc hiệu cao). Khi áp dụng vào lâm sàng, một xét nghiệm tầm soát lý tưởng phải có xác suất cao có bệnh nếu test dương tính (giá trị dự báo dương tính sau test cao), và có xác suất cao không bệnh nếu test âm tính (giá trị dự báo âm tính sau test cao).
Thực tế, một xét nghiệm tầm soát lý tưởng không tồn tại. Mỗi xét nghiệm đều có ưu điểm – khuyết điểm. Do vậy, việc khuyến cáo một chương trình tầm soát trên qui mô lớn cần có những đánh giá nghiêm túc bằng các nghiên cứu cụ thể. Chỉ khi nào lợi ích mang lại bởi chương trình tầm soát lớn hơn các hậu quả - chi phí thì chúng ta mới tiến hành tầm soát.
Có thể sử dụng một vài số đo để đánh giá tính hiệu quả của một xét nghiệm hay một chương trình tầm soát, trong đó con số đo lường quyết định nhất tính hiệu quả và ít chịu sai số nhất là tỉ lệ tử vong. Ví dụ cụ thể, trước đây ung thư cổ tử cung đã từng là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, nhưng từ năm 1941, xét nghiệm sàng lọc phết tế bào cổ tử cung (Papanicolaou smear screening test) được thực hiện đầu tiên tại Mỹ và ngày càng được thực hiện rộng rãi để tầm soát và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung thì tỉ lệ tử vong do loại ung thư này ở phụ nữ Mỹ đã tụt xuống hàng thứ 13 (sau ung thư phổi, vú, đại tràng,…) [1].
|