Ngoài việc đem lại kết cục sức khỏe tốt hơn, thì sự đầu tư cho mạng lưới bác sĩ gia đình còn góp phần giảm chi phí điều trị, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những nơi có tỉ lệ bác sĩ gia đình trong dân số cao hơn thì tổng chi phí nhà nước phải bỏ ra trong chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn thấp hơn những vùng khác. Ngược lại, những nơi đầu tư vào mạng lưới bác sĩ chuyên khoa nhiều thì chi phí cao hơn mà kết cục sức khỏe lại xấu hơn. Vấn đề này có thể giải thích được là do bác sĩ gia đình làm công tác dự phòng tốt, từ đó ngăn ngừa được các biến chứng của bệnh, giảm tỉ lệ nhập viện vì bệnh diễn tiến nặng, do đó mà tổng chi phí điều trị sẽ thấp hơn.
Trong nghiên cứu của tác giả Whittle và cộng sự năm 1998, tác giả đã chứng minh rằng: Chi phí chăm sóc điều trị những bệnh thường gặp trong dân số, ví dụ như bệnh viêm phổi mắc phải ngoài cộng đồng thì chi phí điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa cao hơn bác sĩ gia đình mà kết quả điều trị cuối cùng không có gì khác biệt giữa bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ gia đình. Hay trong nghiên cứu đa quốc gia của tác giả Starfield và Shi năm 2002 cho thấy, những quốc gia có mạng lưới chăm sóc ban đầu kém luôn có tổng chi phí điều trị cao hơn những quốc gia có mạng lưới chăm sóc ban đầu tốt (r = 0.61, p < 0.001).
Một nghiên cứu khác tại Thái Lan [10] về chi phí điều trị tại các tuyến khác nhau, khảo sát việc kê các xét nghiệm cận lâm sàng đối với bệnh nhân có triệu chứng nhẹ ở dạ dày, so sánh giữa các đơn vị khám bệnh khác nhau:
- Trung tâm sức khỏe cộng đồng (Bác sĩ tổng quát)
- Phòng khám tư (Bác sĩ tổng quát)
- PK tư (Bác sĩ Chuyên khoa)
- Bệnh viện công (Phòng khám ngoại trú)
- BV tư (Phòng khám ngoại trú)
Kết quả cho thấy: Chi phí chênh lệch
- Giữa 2 nhóm Bác sĩ chuyên khoa và Bác sĩ Tổng quát: bác sĩ tổng quát cho ít cận lâm sàng hơn.
- Giữa phòng khám tư và trung tâm sức khỏe cộng đồng: phòng khám tư có khuynh hướng cho cận lâm sàng nhiều hơn.
- Giữa phòng khám bệnh viện (công và tư) và trung tâm sức khỏe cộng đồng: phòng khám bệnh viện cho nhiều cận lâm sàng hơn và lạm dụng cận lâm sàng xâm lấn nhiều hơn (sinh thiết).
- Giữa phòng khám ngoại trú bệnh viện công và bệnh viện tư: bệnh viện tư lạm dụng nhiều cận lâm sàng hơn.
Điều này cho thấy, với một vấn đề sức khỏe đơn giản, bệnh nhân đến gặp một bác sĩ gia đình thì sẽ ít tốn kém hơn nhiều và ít bị nguy cơ phải làm nhiều chỉ định cận lâm sàng không cần thiết (biểu đồ) [10].
Biểu đồ 5: So sánh chi phí và mức độ can thiệp chỉ định cận lâm sàng giữa các loại hình phòng khám tại Thái Lan
|