Nếu đã áp dụng các biện pháp mở thông đường thở mà trẻ vẫn không thở lại (lồng ngực không di động, không nghe và cảm nhận được hơi thở) trong vòng 10 giây thì nên bắt đầu thổi ngạt.
Cấp cứu viên phải phân biệt được nhịp thở có hiệu quả hay không hiệu quả, thở ngáp cá hoặc tắc nghẽn đường thở.
3.3.3.1. Hướng dẫn thổi ngạt
Cần thổi ngạt 5 lần để đạt được 2 nhịp thở có hiệu quả. Trong khi vẫn giữ thông thoáng đường thở, người cấp cứu tiến hành thổi theo phương pháp miệng-miệng (2 ngón tay cái và trỏ của bàn tay giữ đầu trẻ, bịt mũi) hoặc miệng-mũi miệng. Người cấp cứu phải hít thở sâu để khi thổi, cung cấp được nhiều oxygen cho trẻ; đồng thời đánh giá kết quả của thổi ngạt bằng cách: nhìn, nghe và cảm nhận vừa mô tả trên.
Yêu cầu khi thổi ngạt, lồng ngực phải nở ra (nhô lên), áp lực nở phổi có thể cao do đường thở nhỏ, nhịp thở phải chậm và với áp lực thấp nhất để làm giảm chướng bụng, ấn nhẹ sụn giáp làm giảm lượng khí vào dạ dày (nghiệm pháp Sellick).
- Nếu lồng ngực vẫn không nở ra khi thổi ngạt thì cần làm lại các thủ thuật làm thông đường thở (ngửa đầu-nâng cằm/ấn hàm). Nếu vẫn không có kết quả thì nên nghi ngờ có dị vật đường thở làm tắc nghẽn đường thở. Khi đó, cần tiến hành các thủ thuật phù hợp khác như Heimlich, vỗ lưng-ấn ngực.
3.3.3.2. Thủ thuật lấy dị vật đường thở
- Trẻ nhũ nhi
Ấn bụng có thể gây chấn thương nội tạng nên cần phối hợp động tác vỗ lưng-ấn ngực để loại bỏ dị vật. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo cánh tay người cấp cứu, đầu thấp, ngón cái và trỏ của người cấp cứu có thể làm ngửa đầu hoặc mở miệng bệnh nhi, tay người cấp cứu đặt dọc lên đùi mình và dùng gót bàn tay còn lại (mô út và mô cái) vỗ lên lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) 5 lần. Nếu dị vật vẫn không bật ra thì có thể lật ngửa trẻ lại, dùng ngón tay (trỏ và giữa) ấn ngực 5 lần tại vị trí ép tim với tần suất 1 lần/giây.
- Trẻ lớn (> 1 tuổi)
Có thể dùng thủ thuật Heimlich hoặc vỗ lưng-ấn ngực như trẻ nhỏ.
Khi trẻ còn tỉnh, làm thủ thuật Heimlich ở tư thế đứng-quỳ-ngồi: người cấp cứu đứng phía sau, vòng tay qua bệnh nhi, rồi đặt gót bàn tay thứ nhất trên bụng trẻ (vị trí trên rốn, dưới mũi ức), bàn tay còn lại đặt lên tay thứ nhất-dùng cả 2 tay ấn mạnh vào bụng bệnh nhi (hướng lên trên và ra sau), liên tiếp 5 lần (trừ khi dị vật bật được ra ngoài).
Nếu bệnh nhi mê, cần làm thủ thuật Heimlich khi trẻ nằm ngửa, người cấp cứu quỳ chân đối diện với trẻ, đặt gót bàn tay thứ nhất lên bụng trẻ (vị trí trên rốn, dưới mũi ức), bàn tay còn lại đặt lên tay thứ nhất-dùng cả 2 tay ấn mạnh vào bụng bệnh nhi (hướng lên trên và ra sau), liên tiếp 5 lần (trừ khi dị vật bật được ra ngoài).
|