Năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra 24 yếu tố nguy cơ sức khỏe toàn cầu và 234 bệnh có liên quan, xếp theo 6 nhóm dưới đây:
1.2.1. Suy dinh dưỡng mẹ và trẻ em
1. Nhẹ cân
Nhẹ cân có nguy cơ gây ra các bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng ở trẻ em; ở người lớn gây ra đẻ non, đẻ nhẹ cân. Khoảng một phần ba các bệnh tiêu chảy, sởi, sốt rét và các nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới ở trẻ em là do thiếu cân. Trong số 2,2 triệu trẻ em tử vong do thiếu cân trên toàn cầu trong năm 2004, gần một nửa, hoặc 1,0 triệu trẻ, xảy ra trong khu vực của châu Phi, và hơn 800.000 trong khu vực Đông Nam Á.
2. Thiếu chất khoáng
Thiếu chất khoáng có nguy cơ gây ra nhiều bệnh, trong đó đặc biệt quan trọng là thiếu máu do thiếu sắt. Ước tính có khoảng 41% phụ nữ mang thai và 27% trẻ em mầm non trên toàn thế giới bị thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu máu, thiếu sắt làm giảm trí thông minh; nó cũng có thể dẫn đến chậm phát triển và khuyết tật. Khoảng 18% tử vong mẹ ở các nước thu nhập thấp và trung bình - gần
120.000 người chết - là do thiếu sắt. 40% tổng số gánh nặng toàn cầu do thiếu sắt xảy ra ở khu vực châu Á, khu vực Đông Nam và các khu vực châu Phi
3. Thiếu vitamin A
Thiếu vitamin A gây nguy cơ đẻ non, đẻ thiếu cân, đặc biệt quan trọng là gây mù lòa ở
trẻ em. Khoảng 33% trẻ em trên thế giới bị thiếu hụt vitamin A (retinol huyết thanh
<0,70 mmol /l), chủ yếu ở Đông Nam Á và châu Phi.
4. Thiếu kẽm
Thiếu kẽm làm tăng nguy cơ tiêu chảy, sốt rét và viêm phổi, cao nhất là khu vực Đông Nam Á và Châu Phi. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, thiếu kẽm được ước tính gây ra 13% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới (chủ yếu là viêm phổi và cúm), 10% sốt rét và 8% của tiêu chảy trên toàn thế giới.
5. Nuôi con bằng sữa mẹ dưới mức tối ưu
Ở các nước đang phát triển, chỉ có 24-32% trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ trung bình 6 tháng, và tỷ lệ này thấp hơn nhiều ở các nước phát triển.
Cho con bú làm giảm nguy cơ của nhiều bệnh nhiễm trùng sơ sinh, nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính và tiêu chảy ở trẻ dưới 23 tháng. Con bú sữa mẹ không tối ưu gây ra 45% các ca tử vong nhiễm trùng sơ sinh, 30% các ca tử vong tiêu chảy và 18% các ca tử vong hô hấp cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi.
1.2.2. Yếu tố nguy cơ liên quan hoạt động thể lực và dinh dưỡng khác
6. Tăng huyết áp
Huyết áp tăng làm thay đổi cấu trúc của các động mạch, hậu quả: làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, suy thận và các bệnh khác.
7. Mỡ máu cao
Cholesterol làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác. Trên toàn cầu, một phần ba số bệnh tim là do cholesterol trong máu cao.
8. Đái tháo đường
Trên toàn thế giới, 6% các ca tử vong là do lượng đường trong máu cao, với 83% các ca tử vong xảy ra ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Đường trong máu tăng gây ra các ca tử vong do bệnh đái tháo đường, 22% bệnh tim thiếu máu cục bộ và 16% các ca tử vong do đột quỵ.
9. Thừa cân, béo phì
WHO ước tính rằng, trong năm 2005, hơn 1 tỷ người trên thế giới bị thừa cân (BMI ≥ 25) và hơn 300 triệu người béo phì (BMI ≥30). Thừa cân và béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, mạch vành, đột quỵ thiếu máu cục bộ và bệnh đái tháo đường type 2, cũng như những nguy cơ của ung thư vú, đại tràng, tuyến tiền liệt và các cơ quan khác. Thừa cân góp phần vào viêm xương khớp - một nguyên nhân chính của tình trạng
khuyết tật. Trên toàn cầu, 44% gánh nặng bệnh đái tháo đường, 23% gánh nặng bệnh tim thiếu máu cục bộ và 7-41% gánh nặng bệnh ung thư có liên quan đến thừa cân và béo phì. Tại Đông Nam Á và châu Phi, 41% số ca tử vong do thừa cân và béo phì xảy ra dưới 60 tuổi, so với 18% ở các nước có thu nhập cao.
10. Ăn ít rau và hoa quả
Khoảng 1,7 triệu người (2,8%) tử vong trên toàn thế giới là do ăn ít trái cây và rau. Trên toàn thế giới, ăn ít trái cây và rau quả ước tính gây 14% tử vong do ung thư dạ dày ruột, khoảng 11% số ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ và khoảng 9% số ca tử vong do đột quỵ.
11. Không hoạt động thể lực
Ít hoạt động thể lực được coi là yếu tố nguy cơ tử vong thứ tư trên thế giới (6%). Nó được ước tính gây ra khoảng 21-25% ung thư vú và ung thư đại tràng, 27% bệnh đái tháo đường và khoảng 30% bệnh tim thiếu máu cục bộ.
1.2.3. Sử dụng chất gây nghiện
12. Hút thuốc lá
Hút thuốc làm gia tăng đáng kể nguy cơ tử vong do ung thư phổi và các bệnh ung thư khác, bệnh tim, đột quỵ, bệnh hô hấp tính. Trên toàn thế giới, hút thuốc lá gây ra khoảng 71% ung thư phổi, 42% các bệnh hô hấp tính và gần 10% bệnh tim mạch. Hút thuốc lá gây ra 12% các ca tử vong nam và 6% các ca tử vong phụ nữ trên thế giới. Thuốc lá gây ra ước tính khoảng 5,1 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2004. Ở Ấn Độ, 11% các ca tử vong ở nam giới trong độ tuổi từ 30-59 năm là do hút thuốc lá.
13. Uống rượu, bia
Trên thế giới, rượu gây hại nhiều đến nam giới (6,0% các ca tử vong) so với nữ giới (1,1% các ca tử vong). Bên cạnh những thiệt hại trực tiếp về sức khỏe do nghiện rượu, rượu gây ra cho khoảng 20% các ca tử vong do tai nạn xe cơ giới, 30% các ca tử vong do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh và giết người, và 50% số ca tử vong do bệnh xơ gan.
14. Sử dụng ma túy trái phép
Gánh nặng của việc sử dụng ma túy bất hợp pháp gây nhiều hậu quả: nghiện, nhiễm HIV, tai nạn thương tích.
1.2.4. Sức khoẻ sinh sản và tình dục
15. Tình dục không an toàn
Năm 2004, quan hệ tình dục không an toàn được ước tính gây ra 99% trường hợp nhiễm HIV ở Châu Phi - khu vực duy nhất mà phụ nữ nhiễm HIV nhiều hơn nam giới. Ở những nơi khác, tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS do quan hệ tình dục không an toàn dao động từ khoảng 50% (ở các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình của khu vực Tây Thái Bình Dương) đến 90% (ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình của các nước châu Mỹ). HIV/AIDS gây hậu quả nặng nề: tuổi thọ trung bình ở khu vực châu Phi là 49 tuổi vào năm 2004 (nếu không mắc AIDS tuổi thọ trung bình sẽ là 53).
16. Nhu cầu tránh thai không được đáp ứng
Không sử dụng, sử dụng không hiệu quả các phương pháp tránh thai làm tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và dẫn đến hậu quả phá thai không an toàn. Các quốc gia ở châu Phi, Đông Nam Á có gánh nặng bệnh tật cao nhất do thiếu biện pháp tránh thai - chiếm khoảng 0,5% các ca tử vong.
1.2.5. Yếu tố nguy cơ môi trường
17. Nước bẩn, vệ sinh kém
Hầu hết các trường hợp tử vong tiêu chảy trên thế giới (88%) là do nước không an toàn, vệ sinh môi trường kém. Nhìn chung, hơn 99% các ca tử vong ở các nước đang phát triển, và khoảng 84% trong số đó xảy ra ở trẻ em.
18. Ô nhiễm không khí đô thị ngoài trời
Các ngành công nghiệp, xe hơi và xe tải phát ra hỗn hợp các chất gây ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe. Trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí ước tính gây ra khoảng 8% các ca tử vong ung thư phổi, 5% các ca tử vong tim mạch và khoảng 3% các ca tử vong nhiễm trùng hô hấp.
19. Khói trong nhà từ nhiên liệu rắn
Hơn một nửa dân số thế giới vẫn nấu ăn bằng gỗ, phân, than đá hoặc chất thải nông nghiệp trên bếp. Sử dụng nhiên liệu rắn dẫn đến rủi ro cao với khói trong nhà và nguy cơ sức khỏe liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Sử dụng nhiên liệu rắn có chứa một loạt các chất có hại, chất gây ung thư từ các hạt vật chất nhỏ, tất cả đều gây hại cho phổi. Trên toàn thế giới, khói từ nhiên liệu rắn gây ra khoảng 21% các ca tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới, 35% các ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và khoảng 3% tử vong do ung thư phổi. Trong số những người chết, khoảng 64% xảy ra ở các nước có thu nhập thấp, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á và châu Phi.
20. Tiếp xúc chì
Tiếp xúc với chì trong giai đoạn mang thai và trong thời thơ ấu làm giảm trí thông minh của trẻ nhỏ (IQ), với người lớn nó làm tăng huyết áp. Khi xăng pha chì vẫn được sử dụng, có thể gây ra mối đe dọa, chủ yếu là cho trẻ em ở các nước đang triển. Nhìn chung, 98% người lớn và 99% trẻ em bị ảnh hưởng bởi việc tiếp xúc với chì thuộc về các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình.
21. Biến đổi khí hậu toàn cầu
Biến đổi khí hậu được ước tính gây ra 3% tiêu chảy, 3% bệnh sốt rét và sốt xuất huyết,
3,8% trường hợp tử vong do sốt trên toàn thế giới trong năm 2004.
22. Rủi ro nghề nghiệp
Nhìn chung, hơn 350.000 công nhân tử vong mỗi năm do tai nạn lao động không chủ ý. Hơn 90% gánh nặng chấn thương xảy ra ở đàn ông làm việc trong khu Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Ở nam giới trong độ tuổi từ 15-59 năm, 8% tổng gánh nặng thương tích không chủ ý là do tai nạn lao động ở các nước thu nhập cao, và 18% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Ít nhất 150 tác nhân hóa học và sinh học trong lao động có thể gây ra bệnh ung thư,
mặc dù bệnh ung thư nghề nghiệp có thể ngăn ngừa được thông qua loại bỏ, thay thế
các vật liệu an toàn, quy trình và hệ thống thông gió. Trên thế giới, ung thư phổi là phổ biến nhất của ung thư nghề nghiệp.
1.2.6. Yếu tố nguy cơ khác
23. Tiêm chăm sóc sức khoẻ không an toàn
WHO ước tính hàng năm có tới 21 triệu ca nhiễm viêm gan B, 2 triệu ca nhiễm viêm gan C và 260.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS có thể do tái sử dụng kim tiêm và kim tiêm không khử trùng.
24. Lạm dụng tình dục trẻ em
Tổ chức Y tế Thế giới (năm 2002) ước tính có 73 triệu trẻ em trai và 150 triệu trẻ gái dưới 18 tuổi bị bạo lực tình dục với hình thức khác nhau. Một nghiên cứu được thực hiện trong năm 2009 đã phân tích dựa trên 65 nghiên cứu ở 22 quốc gia và ước tính một "con số quốc tế tổng thể". Các phát hiện chính của nghiên cứu là: Ước tính 7,9% nam giới và 19,7% nữ giới bị lạm dụng tình dục trước khi 18 tuổi; Tỷ lệ cao nhất đã được thấy ở Châu Phi (34,4%); Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á có tỷ lệ là 9,2%, 10,1% và 23,9%.
|