1. Trách nhiệm trong việc chăm sóc toàn diện, liên tục cho từng cá thể và cả gia đình trong giai đoạn ốm đau, phục hồi, cũng như khi khỏe mạnh. Phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe của người bệnh.
2. Quan tâm đến nhiều lĩnh vực thuộc y học lâm sàng.
3. Có khả năng giải quyết được nhiều vấn đề sức khỏe xảy ra đồng thời trên một người bệnh. Kiến thức chuyên môn rộng, chú trọng đến việc phát hiện và xử trí các bệnh và cấp cứu thường gặp; ưu tiên quản lí và điều trị người bệnh ngoại trú (đáp ứng khoảng 90% nhu cầu CSSK của người dân).
4. Có khả năng điều phối các nguồn lực cần thiết đáp ứng cho yêu cầu CSSK toàn diện của người bệnh.
5. Nhiệt tình trong công việc, luôn cập nhật kiến thức thông qua các khóa đào tạo liên tục (CME).
6. Ham học hỏi, tìm tòi các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hành lâm sàng.
7. Có kỹ năng điều trị và quản lí các bệnh mạn tính (dự phòng và hạn chế biến chứng).
8. Có khả năng tư vấn cho người bệnh và gia đình về các hành vi có lợi cho sức khỏe, yếu tố nguy cơ, bệnh tật và nguyên tắc dự phòng giúp nâng cao sức khỏe.
9. Có khả năng xử lí các tình huống phức tạp về tâm lý và các yếu tố xã hội trong quá
trình chăm sóc người bệnh, kể cả khi người bệnh tử vong.
10. Yêu thương, cảm thông sâu sắc với người bệnh. Duy trì được sự hài lòng của người bệnh và gia đình họ.
Ngoài các kiến thức, kỹ năng và thái độ chung cho BSGĐ trên toàn thế giới, việc đào tạo BSGĐ tại mỗi quốc gia cũng có một số đặc thù riêng. Tổ chức Y tế Thế giới đã nêu vai trò của “Bác sĩ năm sao”:
Người cung cấp dịch vụ CSSK: xem xét người bệnh một cách toàn diện, cung cấp các dịch vụ CSSK chất lượng cao, toàn diện, liên tục, cá thể từng người bệnh, xây dựng mối quan hệ lâu dài, tin tưởng.
Người ra quyết định: là người đưa ra được các quyết định về chẩn đoán, điều trị có tính khoa học và sử dụng các công nghệ, có tính đến kỳ vọng của người dân, giá trị đạo đức, và cân nhắc lợi ích – chi phí. Cung cấp các dịch vụ tốt nhất có thể được cho người bệnh.
Người tư vấn: giáo dục sức khỏe, tư vấn hiệu quả giúp xây dựng lối sống lành mạnh cho cá nhân và cộng đồng.
Người lãnh đạo cộng đồng: là người được mọi người tin tưởng, có khả năng
dung hòa những yêu cầu về mặt sức khỏe của cá nhân và cộng đồng.
Người quản lí: là người có thể làm việc hài hòa với các cá nhân và tổ chức trong cũng như ngoài hệ thống y tế để đáp ứng các nhu cầu của từng người bệnh và cộng đồng. Sử dụng hợp lí các dữ liệu/ thông tin sức khỏe sẵn có (y học chứng cứ). Có phương pháp làm việc nhóm hiệu quả.
|