Khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây bệnh cho cả ung thư phổi và BPTNMT. Cả ung thư phổi và BPTNMT đều là những bệnh có nguy cơ mắc ở tuổi > 40. BPTNMT là yếu tố nguy cơ độc lập với ung thư phổi. BPTNMT và ung thư phổi chia sẻ với nhau rất nhiều các điểm chung trong cơ chế bệnh sinh. Hầu hết các tổ chức ung thư đều có tình trạng viêm, và một số bệnh lý viêm mạn tính là yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Tình trạng viêm trong BPTNMT cũng có thể được xem là yếu tố nguy cơ thúc đẩy ung thư phổi, viêm trong BPTNMT gây sản xuất quá mức các yếu tố trung gian gây viêm như các yếu tố kích thích đại thực bào (M-CSF), các interleukin (IL) 1, 6, 8, 17 … đều liên quan làm gia tăng sự xuất hiện và phát triển của ung thư phổi. BPTNMT cũng là yếu tố mấu chốt làm tăng nồng độ RNOS. Cơ chế chết theo chương trình trong ung thư phổi được điều tiết một phần bởi cơ chế dịch mã ty lạp thể (mtTFA). Các gen cho dịch mã này được methyl hóa trong bệnh cảnh BPTNMT.
Những bệnh nhân BPTNMT có mắc kèm ung thư phổi cũng gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị. Trường hợp BPTNMT nhóm C, D: thường khá hạn chế khi chỉ định nội soi phế quản. Những bệnh nhân BPTNMT có giãn phế nang nhiều: thường có nguy cơ tràn khí màng phổi cao hơn khi thực hiện sinh thiết phổi xuyên thành ngực.
Biện pháp dự phòng ung thư phổi tốt nhất (và cũng là dự phòng BPTNMT) là ngừng hút thuốc lá. Một số nghiên cứu sử dụng chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp trong sàng lọc các bệnh nhân lớn tuổi (tuổi từ 55 tới 74), hiện đang hút thuốc, hoặc hút thuốc nhưng đã ngưng trong vòng 15 năm, với hút thuốc ít nhất 30 bao - năm), cho thấy hiệu quả cải thiện tỷ lệ tử vong.
Các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư phổi:
- Tuổi > 55;
- Hút thuốc lá > 30 bao - năm;
- Có giãn phế nang trên phim chụp cắt lớp vi tính;
- Có rối loạn thông khí tắc nghẽn thể hiện bởi FEV1/FVC < 0.7;
- Tiền sử gia đình có ung thư phổi.
Với những trường hợp có một trong các yếu tố nguy cơ nêu trên: cần lưu ý bỏ thuốc lá sớm, và thực hiện sàng lọc chẩn đoán sớm thư phổi.
Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư phổi ở bệnh nhân BPTNMT nhìn chung không khác các điều trị ung thư phổi không kèm BPTNMT. Tuy nhiên, cần luôn lưu ý đánh giá mức độ rối loạn thông khí tắc nghẽn. Thường không có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi ở những trường hợp FEV1 còn thấp hơn 1 lít.
|