Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Mẫu nghiên cứu

(Tham khảo chính: Võ Thành Liêm )

Là nhóm các đối tượng được trực tiếp khảo sát, đo đạt các thông số. Có nhiều phương pháp chọn mẫu khác nhau. Mục đích chính của các phương pháp là nhằm cân bằng giữa điều kiện thực tế khả thi (khả năng cho phép) và kết quả mong muốn cuối cùng là tính đại diện của mẫu được chọn.

Cách thức tiến hành chọn mẫu nên được giới thiệu chi tiết trong mục này. Việc này trước hết phục vụ người làm nghiên cứu, hạn chế các thiếu sót khi triển khai thực hiện. Hơn nữa, việc này giúp người đọc hiểu hơn về giá trị của nghiên cứu. Có 2 hình thức chọn mẫu: ngẫu nhiên và không ngẫu nghiên (xin xem thêm tài liệu).

·        Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên: là phương pháp đảm bảo rằng mỗi cá thể trong quần thể nghiên cứu đều có xác suất như nhau được chọn vào mẫu nghiên cứu. Điều này cho phép mẫu ngẫu nhiên sau khi được chọn sẽ có được tính “đại diện” cho quần thể nghiên cứu (thực tế). Từ đó, một số kết quả nghiên cứu có thể “qui nạp” (ứng dụng) trực tiếp vào quần thể nghiên cứu.

·        Ngược lại, phương pháp chọn mẫu không ngẫu nhiên sẽ không thể đảm bảo được đặc tính này. Do vậy các kết quả nghiên cứu sử dụng mẫu không ngẫu nhiên sẽ có mức ý nghĩa giới hạn hơn và cần được chuẩn hóa trước khi áp dụng vào quần thể nghiên cứu.

Ví dụ như tỷ lệ hiện mắc của bệnh não mô cầu trong thành phố HCM; nếu chúng ta chỉ lấy mẫu trên bệnh nhân nhập viện tại BV nhiệt đới thì sẽ không thể đại diện cho quần thể chung vừa bao gồm người lớn và trẻ em.

Một điểm cần lưu ý là một số tác giả chọn cách thức lấy mẫu là lấy “tất cả những bệnh nhân” thỏa tiêu chí “trong thời khoảng” qui ước trước. Cách thức này có thể được xem là phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo thời gian. Vì tất cả bệnh nhân xuất hiện đều được chọn vào nghiên cứu nên tất cả đều có xác suất như nhau được nghiên cứu.

Trong mục chọn mẫu, chúng ta cần chú ý nêu rõ các tiêu chí chọn mẫu, các tiêu chí loại trừ (loại ra khỏi mẫu). Nếu được, nên nêu cụ thể tại sao dùng tiêu chí loại trừ, vì lý do nào..? Các thông tin càng được nêu chi tiết càng tốt. Chúng ta sẽ phải thu thập tất cả các tiêu chí này trong bảng câu hỏi. Sẽ rất khó khăn nếu một trong các tiêu chí nêu ra trong mục này không được thu thập khi triển khai lấy số liệu. Ví dụ: tiêu chí loại trừ là bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trong bảng câu hỏi không có mục ghi nhận bệnh lý tiểu đường. Đến khi phân tích, chúng ta sẽ không biết trường hợp nào cần loại trừ, trường hợp nào cần giữ lại để phân tích. Trong thực hành, chúng tôi ghi nhận có những nhầm lẫn nhất định đối với các phạm trù này.

·        Một cách khái quát, tiêu chí chọn vào nghiên cứu nhằm xác định các đối tượng thỏa những điều kiện đặc trưng liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Ví dụ như chúng ta muốn làm nghiên cứu về hiệu quả điều trị bệnh viêm đại tràng polype. Vậy chúng ta phải chọn vào nghiên cứu là những bệnh nhân có chẩn đoán viêm đại tràng polype chứ không phải là viêm trực tràng…!

·        Ngược lại, tiêu chí loại trừ khỏi mẫu là nhằm loại trừ những yếu tố có thể ảnh hưởng, làm sai lệch kết quả cần nghiên cứu. Ví dụ như chúng ta muốn làm nghiên cứu về hiệu quả điều trị viêm đại tràng polype. Tuy nhiên, các dấu chứng về tiêu hóa có thể bị thay đổi nếu như bệnh nhân bị ung thư đại tràng. Do vậy, đây là bệnh nằm trong tiêu chí loại trừ.

·        Ghi chú: tiêu chuẩn loại trừ chỉ dành cho những đối tượng đã thỏa tiêu chí nhận vào. Do vậy, không thể xem điều kiện “không thỏa tiêu chí chọn vào” làm điều kiện cho “tiêu chí loại trừ” vì bệnh nhân nếu không thỏa tiêu chí chọn vào thì không cần xét đến tiêu chí loại trừ. Một lỗi cũng thường gặp là dùng các tình huống mất mẫu (tử vong, di cư, mất liên lạc) hoặc việc không tham gia nghiên cứu như là tiêu chí loại trừ. Lý do là các tiêu chí nhận vào – tiêu chí loại trừ là đặc điểm của quần thể cần nghiên cứu chứ không phải là đặc điểm của cá nhân. Do vậy, nếu bệnh nhân bị tử vong, di cư đến vùng khác hoặc từ chối tiếp tục nghiên cứu thì được xem là nằm trong nhóm mất mẫu.

Về cỡ mẫu của nghiên cứu. Chỉ số này thay đổi tùy theo mục tiêu nghiên cứu, tùy theo thông số cần đo đạt, tùy theo bản chất của hiện tượng cần nghiên cứu, tùy theo loại hình test thống kê sẽ sử dụng… và tùy theo nguồn lực cho phép của ê kíp thực hiện. Trong thực hành, vì lý do lo ngại về khả năng thành công của nghiên cứu một khi triển khai thực hiện, các tác giả thường tính “cỡ mẫu tối thiểu” (chứ không phải cỡ mẫu) để so sánh nguồn lực có thể đầu tư có tương ứng với yêu cầu tối thiểu cần có hay không. Nếu cỡ mẫu tối thiểu là 200 BN mà nguồn lực định đầu từ là 300 BN thì chúng ta không còn lo ngại nữa.

Vấn đề đặt ra là làm sao xác định được “cỡ mẫu tối thiếu”? Một số tài liệu giúp định hướng xác định công thức tính “cỡ mẫu tối thiểu” tùy theo phép thống kê sử dụng hay tùy theo mục tiêu nghiên cứu. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng không có công thức tuyệt đối cho mọi trường hợp. Hơn nữa, “cỡ mẫu tối thiểu” tính được cũng không phải là yếu tố “quyết định” của nghiên cứu. Trong đa phần các trường hợp, chúng ta không cần tính cỡ mẫu nghiên cứu. Ví dụ như nghiên cứu 1 trường hợp bệnh, nghiên cứu nhiều trường hợp bệnh, nghiên cứu can thiệp một số bệnh hiếm gặp (khi này ta dùng thiết kế nghiên cứu “tuần tự” sequential clinical trial – séquentiale recherche), ….

Tải về tài liệu chính .....(xem tiếp)

  • Phương pháp nghiên cứu
  • Quần thể nghiên cứu
  • Mẫu nghiên cứu
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    phác đồ điều trị loạn thần cấp - tâm lý y học - bệnh tâm thần

    phác đồ BV Tâm Thần - TP HCM.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Tình huống minh họa

    ICPC.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Mục tiêu

    ICPC.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    CEFEPIM
    D7 cường giáp
    Dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space