Hầu hết các BPTT đều có thể sử dụng an toàn và hiệu quả đối với VTN/TN. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các BPTT thường thấp hơn so với người trưởng thành bởi vì VTN/TN thường hay quên, hay giấu diếm sợ người khác biết, thường không chủ động khi sử dụng BPTT, lo ngại về các tác dụng phụ của BPTT… - Một số điểm cần lưu ý khi cung cấp biện pháp tránh thai cho VTN/TN
- Khi cung cấp một BPTT cho VTN/TN, cần cung cấp thông tin về các BPTT dự phòng khác. - Những tác dụng phụ của các BPTT đối với VTN/TN cần được tư vấn kỹ hơn. - VTN/TN thường hay quên, không uống thuốc đều đặn, vì thế cần hướng dẫn cách thức uống thuốc để khỏi quên. - VTN/TN thường ngại sử dụng BPTT và có niềm tin sai lầm rằng họ không thể mang thai trong lần quan hệ đầu tiên. - VTN/TN thường hiểu lầm về ảnh hưởng của các BPTT đến sức khỏe. - VTN/TN thường khó hoặc ngại thảo luận với bạn tình về việc sử dụng BPTT, do vậy cần hỗ trợ họ cả những kỹ năng sống như kỹ năng thương thuyết với bạn tình, kỹ năng từ chối… để lựa chọn và sử dụng BPTT phù hợp và hiệu quả. - Các biện pháp tránh thai cho VTN/TN
2.1. Kiêng giao hợp (tình dục không xâm nhập) Là thực hiện các hành vi tình dục mà không có sự tiếp xúc giữa dương vật và âm đạo. Nếu chỉ có sự va chạm bên ngoài giữa dương vật và âm hộ thường sẽ không có thai, nhưng vẫn có nguy cơ mắc một số NKLTQĐTD bao gồm cả HIV. 2.2. Bao cao su - Là biện pháp thích hợp với VTN/TN vì vừa phòng tránh thai vừa phòng tránh NKLTQĐTD. Có hai loại bao cao su (BCS) tránh thai dành cho nam và nữ. - VTN/TN nữ thường khó chủ động thuyết phục bạn tình sử dụng BCS, vì vậy cần tuyên truyền vận động VTN/TN nam chủ động sử dụng BCS. - Tham khảo bài “Bao cao su”, phần KHHGĐ. 2.3. Viên thuốc uống tránh thai kết hợp - Là biện pháp tránh thai phù hợp với VTN/TN có quan hệ tình dục nhưng không có nguy cơ mắc NKLTQĐTD. - Hiệu quả cao nếu sử dụng đúng, giúp kinh nguyệt đều và giảm đau bụng kinh, giảm mụn trứng cá… là những biểu hiện thường gặp ở tuổi VTN/TN. - Do phải uống thuốc hàng ngày, VTN/TN thường ngại vì gia đình có thể nhìn thấy vỉ thuốc. - Tham khảo bài “Viên thuốc tránh thai kết hợp”, phần KHHGĐ. 2.4. Viên thuốc uống tránh thai chỉ có progestin - Sử dụng cho VTN/TN đã có con và đang cho con bú hoặc có chống chỉ định sử dụng loại thuốc có estrogen. - Tham khảo bài “Viên thuốc tránh thai chỉ có progestin”, phần KHHGĐ. 2.5. Thuốc tránh thai khẩn cấp - Là thuốc sử dụng sau lần quan hệ tình dục không được bảo vệ trong vòng 5 ngày, càng uống sớm hiệu quả càng cao. - Phù hợp cho VTN/TN có quan hệ tình dục không được bảo vệ, là BPTT đường uống duy nhất có thể sử dụng sau khi đã có quan hệ tình dục. - Tham khảo bài “Biện pháp tránh thai khẩn cấp”, phần KHHGĐ. 2.6. Dụng cụ tránh thai trong tử cung - Là biện pháp tránh thai sử dụng cho VTN/TN đã sinh con và có nhu cầu tránh thai lâu dài. Không nên áp dụng cho VTN có nhiều bạn tình, VTN/TN có nguy cơ cao mắc các NKLQĐTD. - Cần thực hiện ở cơ sở y tế, chỉ sử dụng được cho VTN/TN đã sinh con. - Tham khảo bài “Dụng cụ tránh thai trong tử cung”, phần KHHGĐ. 2.7. Thuốc tiêm và thuốc cấy tránh thai - Áp dụng cho VTN/TN có nhu cầu tránh thai thường xuyên và lâu dài. - Tham khảo bài “Thuốc tiêm tránh thai” và “Thuốc cấy tránh thai”, phần KHHGĐ. 2.8. Biện pháp tránh thai tự nhiên (tính vòng kinh, xuất tinh ngoài âm đạo). - Hiệu quả thấp, đặc biệt ở lứa tuổi VTN/TN (vì kinh nguyệt của VTN/TN thường không đều, quan hệ tình dục khó chủ động…). - Không phòng tránh được NKLTQĐTD. - Tham khảo bài “Các biện pháp tránh thai truyền thống (tự nhiên)”, phần KHHGĐ.
|