4.1. Nguyên tắc điều trị
- Khi có ca bệnh nghi ngờ phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh.
- Các ca bệnh xác định cần phải nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn.
- Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị triệu chứng, biến chứng và hỗ trợ nâng cao thể trạng.
4.2. Điều trị cụ thể
a. Điều trị triệu chứng
- Hạ sốt bằng Paracetamol và các biện pháp vật lý. Tránh dùng các thuốc hạ sốt giảm đau nhóm NSAIDs (Diclofenac, Ibupropen,...) hoặc nhóm Saiicylate (Aspirin) vì làm nặng rối loạn đông máu.
- Bồi phụ nước, điện giải: khuyến khích người bệnh uống Oresol ngay cả khi không có dấu hiệu mất nước. Bổ sung thêm dịch bằng đường uống hoặc tiêm truyền tương xứng nếu có dấu hiệu mất nước.
- Điều chỉnh các rối loạn điện giải (nếu có). Chú ý các điện giải natri, kali và canxi.
- Có thể sử dụng thuốc chống nôn nếu nôn nhiều: người lớn dùng Chlorpromazine hoặc Metoclopramide đến khi hết nôn. Trẻ em trên 2 tuổi có thể dùng Promethazine (chú ý theo dõi các dấu hiệu ngoại tháp).
- Kiểm soát cơn co giật: dùng Diazepam, người lớn 10-20mg, trẻ em: 0,1- 0,3mg/kg, tiêm tĩnh mạch chậm nếu bệnh nhân co giật. Sau đó duy trì, kiểm soát bằng các thuốc chống co giật như Phenobarbital, Acid valproic.
- Kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn.
b. Xử trí tình trạng xuất huyết
- Cần đánh giá đúng tình trạng xuất huyết trên lâm sàng và xét nghiệm để quyết định sử dụng các chế phẩm máu phù hợp (khối hồng cầu, các yếu tố đông máu, tiểu cầu,...).
- Phụ nữ mang thai: có nguy cơ sảy thai/đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao. Do đó chỉ định dùng Oxytocin và các can thiệp sau sinh kịp thời và đúng chỉ định để giúp cầm máu.
c. Xử trí sốc, suy đa tạng
- Theo dõi sát tình trạng lâm sàng: mạch, huyết áp, da niêm mạc, nước tiểu, CVP và công thức máu để xử trí kịp thời.
- Khi bệnh nhân suy đa tạng, có sốc thì cần phải theo dõi và điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực, có đủ phương tiện, thiết bị theo dõi, thuốc điều trị, nhân viên y tế.
- Cần đảm bảo khối lượng tuần hoàn, cân bằng dịch, điện giải, kiềm toan, duy trì huyết áp, nước tiểu.
- Chỉ định các biện pháp hồi sức tích cực: Nếu suy hô hấp cần chỉ định thở oxy, thở máy hoặc ECMO phù hợp; Lọc máu nếu có suy thận hoặc toan chuyển hóa nặng hoặc suy đa tạng (gan, thận, phổi,...), lọc hấp phụ phân tử, thay thế huyết tương để hỗ trợ khi cần.
d. Các biện pháp điều trị đang được nghiên cứu
- Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với vi rút Marburg.
- Các liệu pháp điều trị như thuốc kháng virus (remdesivir, favipiravir), kháng thể đơn dòng Mab114 (ansuvimab-zykl) và hỗn hợp cocktail REGN-EB3 gồm ba loại kháng thể đơn dòng (atoltivimab, maftivimab và odesivimab-ebgn) hay truyền huyết thanh người khỏi bệnh đã được thử nghiệm với Ebola nhưng chưa được chứng minh hiệu quả với người bệnh nhiễm vi rút Marburg. Chỉ định các thuốc thử nghiệm trên người bệnh cần tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng trên người.
e. Điều trị khác
- Cần lưu ý đảm bảo đủ dinh dưỡng, vitamin cho người bệnh.
- Đảm bảo hỗ trợ tâm lý cho người bệnh trong điều kiện cách ly.
4.3. Phân tuyến điều trị
- Tại y tế xã/phường, quận/huyện: hướng tới được ca bệnh nghi ngờ để hội chẩn tuyến trên.
- Tuyến tỉnh: các ca bệnh nhẹ, ca bệnh tổn thương tạng giai đoạn sớm
- Tuyến trung ương:
+ Những ca bệnh đầu tiên.
+ Những ca bệnh nặng
4.4. Tiêu chuẩn khỏi bệnh, ra viện: người bệnh được ra viện khi
+ Hết sốt trên 2 ngày.
+ Lâm sàng cải thiện tốt, toàn trạng bệnh nhân ổn định, có thể tự thực hiện được các sinh hoạt hàng ngày
+ Không còn các dấu hiệu đào thải vi rút như: ho, chảy máu, tiêu chảy...
+ Kết quả PCR vi rút Marburg trong máu âm tính.
|