1. ĐỊNH NGHĨA
- Dị vật đường ăn là những vật mắc lại trên đường ăn từ họng tới tâm vị.
- Là cấp cứu thường gặp trong cấp cứu tai mũi họng ở nước ta.
- Gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em, nam nhiều hơn nữ. Các loại dị vật hữu cơ và có hình thái sắc nhọn như; xương cá, gà, vịt… dễ gây viêm nhiễm và biến chứng hơn dị vật vô cơ, hình thái tròn tù như: đồng xu, hạt vải…
- Nếu phát hiện sớm thì xử trí đơn giản, ít tốn kém. Khi phát hiện muộn điều trị phức tạp và tốn kém, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
2. NGUYÊN NHÂN
- Ăn uống vội vàng.
- Vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa.
- Uống rượu say rồi ăn thức ăn lẫn xương.
- Do người già không đủ răng, nhai không kỹ.
- Hẹp thực quản do bệnh lý như sẹo hẹp thực quản, u thực quản…
- Bệnh lý tâm thần hoặc do cố ý.
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
3.1.1. Lâm sàng
Dị vật thực quản chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu: Các triệu chứng xuất hiện ngay sau bị hóc, bệnh nhân thường mô tả đang ăn đột nhiên thấy nuốt đau, nuốt vướng vùng cổ. Bệnh nhân phải bỏ dở bữa ăn, không ăn uống tiếp được nữa.
Bệnh nhân thường làm các động tác có hại như: thò tay vào móc họng, cố nuốt miếng thức ăn khác để dị vật trôi đi, hoặc dùng que đũa chọc vào họng. Điều này rất nguy hiểm vì rất dễ thủng niêm mạc họng.
Nuốt đau ngày càng tăng, nuốt nước bọt rất đau, sau đó không nuốt cũng đau.
Tăng tiết nước bọt.
Giai đoạn viêm nhiễm: Triệu chứng viêm nhiễm xuất hiện sớm hay muộn tùy bản chất dị vật, thường sau 24- 48giờ.
Toàn thân:
- Sốt.
- Hội chứng nhiễm trùng rõ: môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Mặt hốc hác, mất nước do không ăn uống được gì.
Cơ năng:
- Nuốt đau, không ăn uống được.
- Đau vùng cổ, quay cổ đau.
- Tăng tiết đờm dãi.
Khám thực thể:
- Vùng cổ:
+ Máng cảnh một bên dày, sưng phồng, thường là bên trái.
+ Da cổ đỏ.
+ Ấn vùng trước cơ ức đòn chũm bệnh nhân đau.
+ Tiếng lọc cọc thanh quản cột sống mất.
+ Có thể tràn khí dưới da.
- Khám họng và soi thanh quản gián tiếp: thấy nước bọt ứ đọng nhiều ở miệng và xoang lê hai bên.
3.1.2. Cận lâm sàng
- X.quang cổ nghiêng:
+ Có thể thấy dị vật nếu dị vật cản quang.
+ Mất chiều cong sinh lý cột sống cổ.
+ Dày phần mềm trước cột sống cổ.
+ Giai đoạn muộn hơn có thể thấy hình mức nước mức hơi của ổ áp xe.
- Xét nghiệm máu: bạch cầu tăng cao.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
- Hóc giả: Bệnh nhân có cảm giác nuốt đau, nuốt vướng nhưng không sốt, vẫn ăn uống bình thường, chụp phim không thấy hình ảnh dị vật, cũng không thấy hình ảnh dày phần mềm trước cột sống cổ.
- Dị vật đã trôi đi: Thực chất bệnh nhân có hóc xương nhưng xương đã trôi đi, để lại vết loét nên bệnh nhân ăn uống cảm thấy đau. Vết loét có thể tự lành nhưng có khi nhiễm trùng tạo thành ổ viêm tấy hoặc áp xe, chụp phim không thấy hình ảnh dị vật nhưng có thể thấy hình ảnh dày phần mềm trước cột sống cổ hoặc ổ áp xe.
- Khối u thực quản: Cảm giác chủ yếu là nuốt vướng, nuốt nghẹn không có sốt nhưng thể trạng gầy sút.
4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
- Bệnh nhân đến sớm, chưa có biến chứng: Tiến hành nội soi gắp dị vật cấp cứu để ngăn chặn biến chứng.
- Khi có biến chứng phải xử trí tùy theo từng loại biến chứng.
4.2. Điều trị cụ thể (nội khoa, ngoại khoa)
Giai đoạn đầu:
- Nội soi thực quản gắp dị vật.
- Chống nhiễm trùng bằng kháng sinh, chống viêm.
- Theo dõi biến chứng.
Giai đoạn biến chứng:
- Viêm tấy hoặc áp xe thành thực quản.
+ Nội soi thực quản gắp dị vật đồng thời hút mủ ổ viêm trong lòng thực quản.
+ Đặt sonde mũi dạ dày để nuôi dưỡng bệnh nhân.
+ Chống viêm bằng các loại kháng sinh chống vi khuẩn Gram âm, Gram dương và vi khuẩn kỵ khí.
+ Theo dõi bệnh nhân, nếu ổ nhiễm trùng không giảm phải tiến hành mở dẫn lưu ổ áp xe.
+ Phòng các biến chứng.
- Viêm tấy hoặc áp xe quanh thực quản:
+ Đối với viêm tấy hoặc áp xe vùng thực quản cổ: mở cạnh cổ dẫn lưu ổ áp xe, lấy dị vật qua đường mổ hoặc đường nội soi.
+ Mở lồng ngực dẫn lưu trung thất và lấy dị vật qua nội soi (thực hiện tại khoa phẫu thuật lồng ngực). Mở thông dạ dày để nuôi dưỡng bệnh nhân.
+ Hồi sức tốt, chống choáng, bồi phụ nước điện giải.
+ Chống nhiễm trùng bằng kháng sinh đường tiêm truyền, đồng thời với các thuốc giảm viêm, giảm phù nề.
+ Nâng cao thể trạng, nuôi dưỡng bằng ống thông mũi- thực quản dạ dày đối với áp xe quanh thực quản cổ hoặc ống thông mở thông dạ dày đối với áp xe trung thất.
5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
Nếu được xử trí sớm và đúng, dị vật đường tiêu hóa thường ít để lại hậu quả nghiêm trọng. Trái lại nếu để muộn, không xử trí kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.
- Viêm tấy, áp xe quanh thực quản cổ: Thể trạng nhiễm trùng nhiễm độc, đau cổ tăng, ứ đọng nước bọt, vùng cổ máng cảnh sưng phồng, da cổ đỏ, có thể có cảm giác lùng nhùng có mủ, có thể có tràn khí dưới da.
- Viêm trung thất: rất nguy hiểm dễ đưa đến tử vong.
- Viêm màng phổi mủ.
- Dò thực quản - khí quản.
- Thủng các mạch máu lớn: Thủng động mạch cảnh do dị vật đâm xuyên thành động mạch hoặc do ổ viêm lân cận gây viêm tấy sau đó làm hoại tử thành động mạch cảnh. Phải mổ thắt động mạch cảnh, điều trị ổ viêm do dị vật. Thủng động mạch chủ: phẫu thuật lồng ngực khâu lỗ thủng động mạch (ít kết quả).
6. PHÒNG BỆNH
Tuyên truyền cộng đồng:
- Không ăn uống vội vàng.
- Không nói chuyện, cười đùa khi ăn.
- Trẻ em, người già cần loại bỏ xương trước khi ăn.
- Không được chữa mẹo khi hóc.
- Thay đổi tập quán chế biến thức ăn: không nên chặt nhỏ thức ăn lẫn xương.
|