2.1.1. Tiếp cận trẻ
Khi được khám bệnh, trẻ thường có dấu hiệu bồn chồn lo lắng, bất hợp tác; cha mẹ trẻ cũng thường lo lắng về bệnh tật của trẻ. Việc làm dịu sự lo lắng và cha mẹ trẻ là rất quan trọng. Tiếp cận với trẻ một cách dịu dàng, thoải mái giúp cho trẻ và bố mẹ tránh được những lo lắng khi đưa trẻ đến thăm khám.
Việc tiếp cận với trẻ cần có sự thay đổi linh hoạt theo lứa tuổi và theo tình huống thực tế. Trong khoảng 6 tháng đầu trẻ thường tỏ tin cậy và dễ hợp tác trong thăm khám, có thể sử dụng đồ chơi hay đồ vật nào đó để đổi hướng chú ý của trẻ. Từ sau 6 tháng, trẻ bắt đầu có phản ứng với người lạ và thường trở lên lo lắng sợ hãi khi thầy thuốc thăm khám. Từ lúc này đến khi trẻ được 2 tuổi, thái độ thân mật, từ tốn của người thầy thuốc có thể giúp trẻ yên tâm, giữ in lặng và hợp tác tốt. Tuy nhiên, khi trẻ ốm trẻ vẫn dễ bị kích động và lo lắng, đôi khi cần giữ chặt trẻ trong lòng bố mẹ. Với trẻ lớn hơn, trẻ bắt đầu đáp ứng hợp lý với lời nói và có thể kiềm chế nỗi sợ hãi của chúng. Người thầy thuốc nên trao đổi trước với trẻ để giúp quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi hơn. Trẻ có thể ngồi trong lòng bố mẹ hoặc ngồi độc lập nhưng vẫn đảm bảo mối liên hệ chặt chẽ với trẻ.
Ở tất cả các lý tuổi, cần hạn chế việc gò ép cơ thể trẻ trong quá trình thực hiện việc thăm khám vì điều này làm trẻ tăng sợ hãi và phản kháng. Cho phép trẻ tự chủ một phần trong cuộc khám thường làm tăng sự hợp tác của trẻ.
2.1.2. Khai thác bệnh sử
Bệnh sử của trẻ cần được khai thác một cách toàn diện. Cần tìm hiểu ai là người trực tiếp chăm sóc trẻ để thu thập thông tin một cách đầy đủ. Thông tin cần chú ý bao gồm các triệu chứng của trẻ trong giai đoạn bệnh, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, ốm đau bệnh tật của trẻ từ lúc sinh ra đến thời điểm này, thậm chí là trong thời kỳ mang
thai. Việc khai thác bệnh sử cần được thực hiện đầy đủ cặn kẽ, tuy nhiên không kéo dài quá, có thể làm trẻ mất hết kiên nhẫn, hạn chế sự hợp tác trong giai đoạn thăm khám.
2.1.3. Trình tự khám
Trẻ nhỏ thường lo lắng, phản ứng với việc thăm khám hoặc không kiên nhẫn vì vậy thứ tự thăm khám là rất quan trọng. Trong quá trình thăm khám cần phải quan sát và ghi nhớ các biểu hiện chung của trẻ và cố gắng cảm nhận trạng thái cảm xúc cũng như những hoạt động của trẻ và bố mẹ trẻ để có hướng tiếp cận phù hợp. Mọi dụng cụ cần thiết để thăm khám cần được chuẩn bị sẵn sàng trong quá trình thăm khám.
Nên thăm khám lần lượt từ vùng từ vùng ít phải thao tác và ít bất tiện với trẻ đến vùng phải thao tác và bất tiện nhiều hơn. Các bộ phận như tim phổi cần khám trước trong giai đoạn trẻ còn hợp tác để thu được thông tin chính xác
Khám da: thường khám phần đầu, sọ và các chi trước rồi mới đến phần thân mình. Kiểm tra, sờ nhẹ nhàng trên da xem có ban, hạch to và những vùng da nhạy cảm bất thường.
Khi khám vùng thân mình chúng ta có thể kết hợp khám tim phổi, khám từ phía sau ra phía trước. Luôn làm ấm ống nghe trước khi khám. Tiếp theo khám vùng bụng. Với trẻ nhỏ tốt nhất nên đặt trẻ nằm ngửa trên lòng của bố mẹ. Với trẻ lớn có thể đặt lên bàn khám nhưng phải có cha mẹ ở bên cạnh nắm giữ trẻ. Đầu tiên gõ nhẹ nhàng sau đó sờ gan lách, không quên khám các vùng còn lại của bụng đặc biệt là vùng bẹn và sinh dục.
Cuối càng khám đến tai, mặt và họng. Nên khám tai trước khi khám miệng. Vì nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là một trong những nguyên nhân gây sốt hay gặp nhất ở trẻ nên khám tai một cách cẩn thận có tính chất quyết định trong việc đánh giá một đứa trẻ sốt. Cần tiến hành một cách trình tự bắt đầu bằng việc kiểm tra vùng sau tai, khám tai trong, quan sát màng nhĩ.
2.1.4. Kết luận sau thăm khám
Kết thúc thăm khám, cần cho trẻ biết việc khám đã kết thúc, an ủi và khen ngợi sự hợp tác của trẻ. Trên cơ sở những thông tin thu thập được, thảo luận với bố mẹ của trẻ về tình hình bệnh tật của trẻ và phương pháp điều trị thích hợp. Nếu cần phải làm xét nghiệm hay kê đơn thuốc, phải giải thích, hướng dẫn cụ thể cho bố mẹ về ý nghĩa của các xét nghiệm, ghi rõ cách thức sử dụng các loại thuốc. Kết hợp với việc thăm khám để thực hiện việc giáo dục về CSSK cho trẻ một cách hiệu quả. Giải thích cho bố mẹ trẻ biết khi nào cần phải đưa trẻ quay trở lại hoặc đưa ra lịch hẹn cho lần khám sau.
|