Trong chẩn đoán bệnh động mạch vành, cơn đau thắt ngực là triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất (xác định người bệnh đau ngực kiểu động mạch vành). Cần lưu ý là một số trường hợp người bệnh bị bệnh động mạch vành lại không có cơn đau ngực điển hình mà có các triệu chứng khác như khó thở, mệt… hoặc hoàn toàn không có triệu chứng gì (bệnh động mạch vành thầm lặng). Với những bệnh cảnh khác, như suy tim, sau can thiệp, hoặc do sàng lọc… thì các triệu chứng tương ứng với các bệnh cảnh đó.
2.1.1. Cơn đau thắt ngực
Vị trí:
● Thường ở sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng…
● Hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4, 5.
Hoàn cảnh xuất hiện:
● Thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá và nhanh chóng giảm/ biến mất trong vòng vài phút khi các yếu tố trên giảm.
● Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên. Một số trường hợp cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế, hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh.
Tính chất:
● Hầu hết các người bệnh mô tả cơn đau thắt ngực như thắt lại, bó nghẹt, hoặc bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá, bỏng rát.
● Một số người bệnh có kèm theo khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi...
Thời gian:
● Thường kéo dài khoảng vài phút (3 - 5 phút), có thể dài hơn nhưng thường không quá 20 phút (nếu đau kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần nghĩ đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim).
● Những cơn đau xảy ra do xúc cảm thường kéo dài hơn là đau do gắng sức. Những cơn đau mà chỉ kéo dài dưới 1 phút thì nên tìm những nguyên nhân khác ngoài tim.
2.1.2. Một số trường hợp đặc biệt:
● Khó thở: Ở những người bệnh có nguy cơ bệnh động mạch vành cao, đây được coi là triệu chứng có giá trị và được khuyến cáo như là một triệu chứng gợi ý HCMVM bên cạnh triệu chứng đau thắt ngực.
● Ở một số trường hợp, người bệnh có thể không biểu hiện rõ cơn đau mà chỉ cảm giác tức nặng ngực, khó chịu ở ngực, một số khác lại cảm giác như cứng hàm khi gắng sức...
● Ngược lại, một số trường hợp lại có cơn đau giả thắt ngực (nhất là ở nữ giới).
● Một số khác lại đau ngực khi hoạt động gắng sức những lần đầu, sau đó, đỡ đau khi hoạt động lặp lại với cường độ tương tự (hiện tượng “hâm nóng” - warming up).
2.1.3. Phân loại đau thắt ngực
● Đau thắt ngực điển hình kiểu động mạch vành bao gồm 3 yếu tố:
- Đau thắt ngực sau xương ức với tính chất và thời gian điển hình.
- Xuất hiện/tăng lên khi gắng sức hoặc xúc cảm.
- Đỡ đau khi nghỉ hoặc dùng nitroglycerin nhanh xịt/ngậm dưới lưỡi trong vòng 5 phút.
● Đau thắt ngực không điển hình: Chỉ gồm 2 yếu tố trên.
● Không giống đau thắt ngực: Chỉ có một hoặc không có yếu tố nào nói trên.
Bảng 1. Phân loại mức độ đau thắt ngực ổn định: theo Hội Tim mạch Canada 19762
Độ
|
Đặc điểm
|
Chú thích
|
I
|
Đau thắt ngực xảy ra khi làm việc nặng hoặc gắng sức nhiều
|
Đau thắt ngực chỉ xuất hiện khi hoạt động thể lực rất mạnh, nhanh hoặc các hoạt động thể lực bình thường nhưng thời gian kéo dài (đi bộ, leo cầu thang)
|
II
|
Đau thắt ngực xảy ra khi hoạt động thể lực ở mức độ trung bình
|
Ít hạn chế các hoạt động thường ngày khi chúng được tiến hành nhanh, sau bữa ăn, trong trời lạnh, trong gió, trong trạng thái căng thẳng hay vài giờ sau khi thức dậy; nhưng vẫn thực hiện được leo dốc, leo cao được hơn 1 tầng gác với tốc độ bình thường và trong điều kiện bình thường.
|
III
|
Đau thắt ngực xảy ra khi hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ
|
Khó khăn khi đi bộ dài từ 1 - 2 dãy nhà hoặc leo cao 1 tầng gác với tốc độ và điều kiện bình thường.
|
IV
|
Đau thắt ngực xảy ra khi nghỉ ngơi
|
Không cần gắng sức để khởi phát cơn đau thắt ngực.
|
|