1. ĐẠI CƯƠNG
Các khối u tuyến nước bọt chiếm vào khoảng 0,2 - 0,6 % các loại khối u và 2- 4 % các khối u vùng đầu cổ. Tỷ lệ mắc hàng năm u tuyến nước bọt trên toàn thế giới khoảng 0,4 - 6,5 ca/100.000 dân. Ở Việt Nam ước tính có khoảng 0,6 - 0,7 ca u tuyến nước bọt mới mắc/100.000 dân.
U tuyến nước bọt chủ yếu gặp ở các tuyến nước bọt chính, trong đó tuyến mang tai là 70%, tuyến dưới hàm là 8%, còn lại 22% gặp ở tuyến dưới lưỡi và các tuyến nước bọt phụ. Có đến 75% u tuyến mang tai là lành tính, 50% u tuyến dưới hàm và 80% u tuyến nước bọt phụ được tìm thấy là ác tính.
2. NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ
Những hiểu biết về bệnh sinh u tuyến nước bọt còn hạn chế, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ được đề cập tới đó là: phóng xạ, lạm dụng thuốc lá, rượu, các hóa chất công nghiệp, virus, …
Có những bằng chứng cho thấy bức xạ ion hóa làm tăng nguy cơ phát triển u tuyến nước bọt. Những nghiên cứu của Nhật Bản chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc hàng năm của u tuyến nước bọt ở hai thành phố Hirosima và Nagasaki tăng một cách rõ rệt so với những vùng khác.
Do tuyến nước bọt bắt I131, việc điều trị I131 có thể làm tăng tỷ lệ loại bệnh này, ngoài ra sự lạm dụng chụp X quang nha khoa hoặc X quang vùng đầu cổ có thể là yếu tố làm thúc đẩy quá trình khởi phát khối u. Người ta còn nhắc đến vai trò của tia cực tím trong bệnh sinh u tuyến nước bọt.
Ngoài ra, u lympho biểu mô của tuyến nước bọt còn liên quan tới Virus Epstein Barr và một số virus khác như Polyoma virus, Cytomegalo virus.
Một vài nghiên cứu gần đây cho thấy việc lạm dụng rượu và thuốc lá có liên quan tới u Warthin (u tuyến lympho).
Nghề nghiệp có liên quan đến u tuyến nước bọt: khai thác mỏ amian, sản xuất cao su và các sản phẩm liên quan, nghề hàn, chế biến gỗ.
Ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng kém cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc u tuyến nước bọt.
3. ĐẶC ĐIỂM BỆNH HỌC
3.1. Lâm sàng
3.1.1. Triệu chứng cơ năng
- Triệu chứng u tuyến nước bọt thường nghèo nàn, biểu hiện là một khối u vùng dưới hàm, cổ (tuyến dưới hàm), ở góc hàm hay ở mặt (tuyến mang tai), khối sưng lên ở sàn miệng (tuyến dưới lưỡi).
- Đặc điểm của u:
+ Xuất hiện đã lâu.
+ Tiến triển chậm.
+ Không đau, tuy nhiên khi xuất hiện đau ở vùng u lại là một triệu chứng gợi ý u ác tính.
+ Khối u có thể tăng kích thước nhanh do viêm nhiễm, chảy máu trong u.
- Do sự đa dạng về vị trí của các tuyến nước bọt phụ và u tuyến có thể gặp ở nhiều nơi, mỗi khối u ở vị trí khác nhau sẽ gây ra các triệu chứng tại chỗ khác nhau. Chảy máu hoặc ngạt mũi có thể là dấu hiệu đầu tiên của khối u tuyến nước bọt phụ tại vách ngăn mũi. Trong khi các khối u ở đáy lưỡi lại gây cảm giác nuốt vướng và nghẹn. Các khối u ở vùng miệng lại có thể gây khít hàm…
3.1.2. Dấu hiệu thực thể
- U lành tính: biểu hiện u tròn, ranh giới rõ, mật độ chắc, di động; khi u ở sâu, viêm xơ hóa thì di động hạn chế; không có dấu hiệu thần kinh hoặc xâm lấn da.
- U ác tính: u cứng, chắc, ranh giới không rõ, di động hạn chế hoặc cố định khi u xâm lấn vào cơ hoặc xương hàm dưới, có thể gây liệt nhẹ môi dưới, xâm lấn da hoặc loét mặt da, có thể di căn hạch cổ hoặc di căn phổi, xương.
3.2. Cận lâm sàng
3.2.1. Siêu âm
Là một phương pháp dễ thực hiện, có giá trị cao trong chẩn đoán; góp phần khẳng định chẩn đoán lâm sàng, xác định vị trí u ở trong nhu mô hay ngoài tuyến, u đặc hay u nang, u hay là hạch. Trong một số trường hợp, siêu âm có thể đem lại một số thông tin giúp phân biệt u lành với u ác. U lành tính thường có một độ đồng nhất, bờ rõ nét. U ác thường có mật độ âm không đồng nhất, bờ không đều và có thể hoại tử trung tâm u.
3.2.2. CT, CT sialography, MRI
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này mang lại rất nhiều thông tin trong việc đánh giá bệnh lý u tuyến nước bọt, mật độ, kích thước u, ranh giới, độ xâm lấn của u vào tổ chức xung quanh.
MRI có lợi điểm hơn các phương pháp khác do không sử dụng tia X và các phương pháp đối quang (là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự phát triển của u tuyến nước bọt). Hơn nữa, MRI còn cho hình ảnh không gian bo chiều rõ nét giữa u tuyến và mô bình thường.
3.2.3. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ
Đối với u tuyến nước bọt, việc chỉ định chọc hút tế bào bằng kim nhỏ thường được sử dụng. Phương pháp này góp phần chẩn đoán phân biệt viêm tuyến, khối u, các hạch lympho lân cận. Sự hiểu biết về tế bào học thông qua chọc hút kim nhỏ có ảnh hưởng lớn tới kế hoạch điều trị.
3.2.4. Các phương pháp khác
Chụp cản quang tuyến nước bọt (sialography) ít có giá trị trong chẩn đoán u.
Chụp xạ hình tuyến nước bọt sử dụng 99mTc tiêm tĩnh mạch, phương pháp này ít giá trị, chỉ phân biệt được các loại u có ái tính với 99mTc (u lympho tuyến nang) và u giảm ái tính với 99mTc (u hỗn hợp).
4. CHẨN ĐOÁN
4.1. Chẩn đoán xác định khối u tuyến nước bọt cần phải kết hợp nhiều phương pháp: Dựa trên hỏi kỹ bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng nêu trên.
4.2. Chẩn đoán phân loại u tuyến nước bọt (Theo phân loại của WHO, 1991)
* U biểu mô tuyến:
U lành:
- U tuyến đa hình (u hỗn hợp)
- U tuyến đơn hình:
+ U lympho tuyến, u lympho tuyến nang (u Warthin)
+ U tế bào hạt ưa acid
+ U tế bào đáy
+ U tế bào bã
- Nang tuyến:
+ Nang trong tuyến nước bọt bẩm sinh
+ Nang giả tuyến nước bọt
- U Godwin (tổ chức lympho biểu mô lành tính)
U ác tính không ổn định:
- U tế bào tuyến nang
- U nhầy biểu bì
- U tế bào sáng
U ác tính:
- Ung thư biểu mô tế bào trụ
- Ung thư biểu mô tuyến
- Ung thư biểu mô không biệt hóa
- Ung thư biểu mô dạng biểu bì
- U đa hình thoái hóa ác tính
- Ung thư di căn trong tuyến
* Khối u của mô liên kết hoặc tổ chức khác:
U lành tính:
- U máu: u bạch mạch, u tế bào ngoại mạch
- U mỡ
- U tế bào Schwann
U ác tính:
- U lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin và giả u lympho
- U tế bào mạch quanh mạch
- Ung thư mô liên kết: sarcôm xơ, sarcôm cơ
- Sarcôm cơ ở trẻ em
- U tế bào Schwann ác tính
5. ĐIỀU TRỊ
Phương pháp điều trị tốt nhất với các khối u tuyến nước bọt là phẫu thuật, làm xét nghiệm mô bệnh học. Việc cắt bỏ rộng đến đâu là do các túyp mô học và đặc điểm giải phẫu quyết định.
U tuyến mang tai: u lành tính cắt thùy nông hay thùy sâu nhưng cần bảo tồn dây thần kinh VII. U ác tính tùy theo kích thước, độ xâm lấn mà quyết định chỉ cắt thùy nông hay cắt toàn bộ tuyến cùng dây VII.
U tuyến dưới hàm dù lành hay ác tính cũng cần phải loại bỏ tuyến. Nếu trên lâm sàng có hạch cần phải nạo vét hạch.
U tuyến dưới lưỡi: lấy bỏ toàn bộ khối u và tổ chức tuyến, tránh làm tổn thương sàn miệng.
Trong trường hợp u không thể mổ được hoặc ở một số trường hợp sau mổ tùy theo túyp mô bệnh học của u và phương pháp mổ mà có chỉ định điều trị tia xạ.
6. BIẾN CHỨNG PHẪU THUẬT
Ngoài hai biến chứng chảy máu và nhiễm trùng như các phẫu thuật khác thì mỗi phẫu thuật có các biến chứng riêng.
6.1. Phẫu thuật lấy u tuyến mang tai
- Liệt mặt
- Rò nước bọt
- Hội chứng Frey
6.2. Phẫu thuật lấy u tuyến dưới hàm
- Liệt nhánh bờ hàm dưới của dây VII
- Liệt dây XII, IX
- Rò nước bọt
6.3. Phẫu thuật lấy u tuyến nước bọt phụ
- Rò nước bọt: ít gặp
- Thủng màn hầu (lấy u màn hầu)
|