1.2.1. Tình hình sử dụng rượu
Theo báo cáo của WHO năm 2011, hàng năm có 2,5 triệu người chết vì rượu, trong đó có đến 1/3 số người là giới trẻ. Rượu có liên quan đến nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng bao gồm cả bạo lực và lạm dụng trẻ em. Gánh nặng kinh tế, xã hội và sức khỏe do lạm dụng rượu, bia trên toàn cầu đã đạt mức báo động trong những năm gần đây.
Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu “Đánh giá tình hình lạm dụng rượu, bia tại Việt Nam” của Viện Chiến lược và chính sách y tế - Bộ Y tế công bố năm 2012 cho
thấy: Bình quân một người đàn ông Việt Nam uống 15,8 lít bia, 3,9 lít rượu trong một năm. Tỷ lệ người Việt Nam đang lạm dụng rượu là 18%, bia là 5%. Lạm dụng rượu, bia gây ra các hệ quả lâu dài về sức khỏe như đau dạ dày, viêm nhiễm thường xuyên, tổn thương gan, rối loạn tim mạch, tổn thương cơ quan sinh sản, tổn thương não bộ như: sa sút trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm; ngòai ra còn các hệ quả tinh thần và các vấn đề xã hội khác.
1.2.2. Tình hình sử dụng thuốc lá
Theo báo cáo của WHO ngày 31/5/2012, hút thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong. Hút thuốc gây tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm. Uớc tính số tử vong do thuốc lá sẽ tăng lên thành hơn 8 triệu ca vào năm 2030.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới (56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới), 2/3 số phụ nữ và 1/2 số trẻ em bị ảnh hưởng thụ động của khói thuốc lá. Theo ước tính của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 40.000 ca tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ. Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 chất hóa học, trong đó có 43 chất gây ung thư, gây ra 25 căn bệnh nguy hiểm khác nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn, vô sinh...
1.2.3 Tình hình sử dụng ma túy
Theo báo cáo về tình hình ma túy thế giới năm 2012 của Chương trình kiểm soát tội phạm và ma túy của Liên hiệp quốc (UNODC), ước tính năm 2010 trên toàn cầu có 230 triệu người sử dụng ma túy, trong đó 27 triệu người có vấn đề nghiêm trọng do sử dụng ma túy; 200.000 người tử vong hàng năm do sử dụng heroin, cocain và các loại ma túy khác. Trong số người tiêm chích ma túy, khoảng 20% nhiễm HIV, 46,7% mắc viêm gan C và 14,6% mắc viêm gan B, tạo thêm gánh nặng về bệnh tật cho toàn cầu; khoảng 1/100 ca tử vong ở người lớn là do sử dụng ma túy bất hợp pháp.
Ở Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Công an, tính tới cuối tháng 6 năm 2012, cả nước có 171.400 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lí. So với cuối năm 1994, số người nghiện ma túy đã tăng gấp 3 lần (55.445 người nghiện năm 1994) với mức tăng xấp xỉ 6.000 người nghiện mỗi năm.
|