1. MỤC TIÊU BÀI GIẢNG
- Trình bày các điểm cần lưu ý trong chuẩn bị bài báo cáo
- Xây dựng được kế hoạch bài giảng phù hợp với đối tượng học.
2. NỘI DUNG BÀI GIẢNG
Thuyết giảng trên giảng đường là một trong những phương pháp giảng dạy dành cho số lượng người học lớn và là phương pháp sử dụng chủ đạo trong trường học ở tất cả các cập độ từ tiểu học đến đại học. Tuy được sử dụng chủ yếu, phương pháp thuyết giảng có một số hạn chế nhất định và đòi hỏi phải có sự đầu tư chuẩn bị bài bản. Để đảm bảo chất lượng và đạt được mục tiêu giảng dạy, buổi thuyết giảng không chỉ đánh giá chỉ qua sự nhiệt tình, khả năng biểu cảm, hay khối lượng nội dung chuyển tải, mà hơn hết cần phải đảm bảo tính tương tác với học viên, tính phù hợp với từng đối tượng giảng dạy…. Do vậy, giảng viên cần nắm được các khía cạnh kỹ thuật và trao dồi một số kỹ năng liên quan để đảm bảo việc tổ chức tốt buổi thuyết giảng.
2.1. Chuẩn bị cho buổi giảng
Điểm đầu tiên mà chúng ta chú ý cho buổi giảng đó chính là nội dung giảng dạy. Để nội dung được chuẩn bị tốt, chúng ta cần xây dựng kế hoạch bài giảng với các thành phần nội dung như sau.
2.1.1. Mục tiêu học tập
Mục tiêu học tập là cách diễn đạt mục tiêu bài giảng được trình bày trong bài học và hướng đến đối tượng là người học. Với cách nhìn của người giảng dạy thì mục tiêu học tập được chuyển thể thành mục tiêu giảng dạy. Trong đó, về mặt định nghĩa, mục tiêu học tập là một phát biểu mô tả điều mà người dạy mong muốn người học đạt được như là kết quả của quá trình đào tạo (học tập), và có thể dùng như là một chỉ số đánh giá sự thành công của khóa học/buổi học.
Việc xây dựng mục tiêu cần chú ý đến các đặc điểm sau:
- Số lượng mục tiêu, cần phù hợp với nguồn lực cho phép dành cho buổi giảng. Nguồn lực này bao gồm thời gian, trang thiết bị, nhân sự… và cả khả năng của giảng viên trong lĩnh vực cần giảng dạy.
- Nội dung của mục tiêu có phù hợp với bài giảng, với đối tượng, có thể đo đạt được hay không, có hướng đến mục tiêu chung, có chú ý kiến thức – thái độ - hành vi
- Mức độ yêu cầu – tính chức phức tạp của mục tiêu mà giảng viên kỳ vọng học viên đạt được. Ví dụ, một buổi giảng ngắn thì không thể yêu cầu học viên có thể đạt những mục tiêu thay đổi kỹ năng.
- Đối tượng học viên là ai, có những đặc điểm chuyên biệt gì, là sinh viên đại học hay học viên sau đại học, là hệ chính qui (tính thuần nhất cao) hay là hệ đào tạo liên tục (tính đa dạng cao)…
Như vậy, việc xác định mục tiêu là bước cơ bản đầu tiên trong việc xây dựng bài giảng. Để dễ nhớ, chúng ta có thể sử dụng mô hình SMART, là những từ khóa về đặc điểm trong xây dựng mục tiêu:
- S: specific – cụ thể: cho biết người họ sẽ đạt được gì
- M: Measurable – đo đạt được: chỉ số đưa ra phải có thể đánh giá được – đo đạt được
- A: Attainable – khả thi: có thể thực hiện được với điều kiện – nguồn lực cho phép
- R: Relevant – hữu ích: thích đáng, phù hợp với nhu cầu người học
- T: time framed – có thể đạt được ở thời điểm cuối buổi học
2.1.2. Nghiên cứu đối tượng người học
Đối tượng học tập cần phải được biết rõ trước khi viết mục tiêu và biên soạn nội dung giảng dạy. Ngoài ra, các kỹ thuật giảng dạy, ngôn ngữ sử dụng, tư liệu học thuật và các nguồn lực giảng dạy cũng sẽ liên quan ít nhiều đến người học. Cụ thể, cùng là chuyên đề về bệnh tăng huyết áp, nếu đối tượng người học là sinh viên năm 3 y khoa, bài giảng sẽ phần nào đó về dấu chứng để chẩn đoán; nếu đối tượng là điều dưỡng năm 2, bài giảng sẽ lệch nhiều về kỹ năng đánh giá sinh hiệu, tư vấn, theo dõi; nếu đối tượng là học viên sau đại học thì bài giảng sẽ tập trung vào điều trị các biến chứng, thể bệnh nặng….
Kỹ thuật sư phạm sử dụng cũng phải thay đổi theo đối tượng. Thuyết giảng đơn thuần lý thuyết là phù hợp với sinh viên có số lượng đông. Tuy nhiên, nếu phải thuyết giảng với học viên sau đại học thì nên sử dụng các tình huống lâm sàng – câu hỏi thực tế để minh họa sẽ giúp dễ nhớ hơn.
2.1.3. Nguồn lực cho phép
Địa điểm tổ chức giảng: giảng đường, phòng ốc, không gian tương tác với người học. Đối với lớp học tổ chức tại địa điểm quen thuộc (giảng đường, phòng họp bệnh viện…), chúng ta đã có sẵn thông tin nên có thể không cần khảo sát trước. Tuy nhiên, đối với trường hợp phải tổ chức buổi thuyết giảng tại những địa điểm mới, chúng ta có thể ghé thăm địa điểm giảng (hoặc hỏi thông tin trước), biết được địa chỉ, diện tích phòng ốc, cách bố trí bàn học, bàn giảng viên, thiết bị máy móc đang có tại chổ
Thiết bị trợ giảng tại chổ hoặc theo yêu cầu của buổi giảng. Hiện nay, phần lớn các phòng học, giảng đường đều trang bị máy chiếu projector hoặc tivi để kết nối với máy vi tính, có trang bị hệ thống âm thanh tại chổ, có bảng-phấn (bút) để ghi chú. Đây là những thiết bị cơ bản phục vụ buổi trình bày. Điểm cần chú ý là tính tương thích của máy tính cá nhân với các thiết bị trợ giảng này, có biết cách sử dụng máy tính, máy chiếu, âm thanh hay không?… Đối với một số bài giảng, chúng ta có thể phải huy động nguồn lực riêng như mô hình minh họa, kết nói internet tại chổ (mạng wifi)…
Thời gian cho phép của buổi giảng là một trong số các nguồn lực quan trọng cần chú ý. Đối với các lớp buổi chiều, thời gian hiệu quả cho buổi giảng ngắn hơn so với thời gian thực tế vì khả năng tập trung của người học bị giảm vì nhiều yếu tố ảnh hưởng (đối với học viên sau đại học thì họ càng bị ảnh hưởng có nhiều yếu tố như công việc bệnh viện, trực gác…). Giảng viên cần chú ý phân bổ nội dung quan trọng vào đầu buổi giảng lúc mà học viên còn tập trung, sử dụng các kỹ thuật tương tác để tăng sự chú ý.
2.1.4. Lập kế hoạch bài giảng
Kế hoạch bài giảng xây dựng nhằm đảm bảo nội dung buổi giảng được rõ ràng, cụ thể, truyền tải được mục tiêu bài giảng, có thiết kết các hoạt động dạy và học phù hợp với các nguồn lực hiện có tương ứng với đối tượng người học. Một điểm quan trọng của việc lên kế hoạch bài giảng là cho phép giảng viên thiết kế việc đánh giá được học viên, đánh giá được buổi giảng có đạt được các mục tiêu đặt ra và làm cơ sở để hoàn thiện buổi giảng trong tương lai. Chi tiết cách thức xây dựng kế hoạch sẽ được giới thiệu cho môn học riêng. Tại đây xin giới thiệu mô hình lược giản để dễ thực hiện.
Mục và thời gian
|
Nội dung
|
Phương pháp
|
Nguồn lực cần có
|
Hoạt động của học viên
|
Tài liệu hỗ trợ
|
Giới thiệu buổi giảng (7 phút)
|
Nêu lý do vì sao phải học
|
Kể tình huống lâm sàng minh họa
|
Tình huống lâm sàng
Câu hỏi mở
|
Trả lời câu hỏi mở
|
Bệnh án
|
Giới thiệu mục tiêu (3 phút)
|
Liệt kê các mục tiêu
|
Thuyết giảng
|
Phương tiện nghe nhìn
Bảng phấn (bút)
|
Nghe, quan sát
|
Các nội dung của bài giảng (30 phút)
|
Trình bày nội dung chính
|
Thuyết giảng
Tương tác chủ động bằng câu hỏi
Biểu quyết lấy ý kiến theo hình thức giơ tay
|
Phương tiện nghe nhìn
Bảng phấn (bút)
2 câu hỏi trắc nghiệm
|
Nghe, quan sát
Tham gia cho ý kiến bằng biểu quyết
|
Sách tham khảo
|
Lượng giá cuối bài (5 phút)
|
Lượng giá buổi học
|
Trắc nghiệm nhiều lựa chọn (3 câu)
|
Giấy in sẵn câu trắc nghiệm
|
Làm trắc nghiệm
|
3 câu hỏi
|
Bài báo cáo cần có cấu trúc rõ ràng với các mục giới thiệu, mục tiêu, nhắc lại kiến thức đã có cần thiết để hiểu bài, bài chính, ví dụ minh họa và nhắc lại mục tiêu ở cuối bài. Phần lượng giá là tùy chọn.
Đối với học viên là người lớn, việc sử dụng các ví dụ đầu bài để giới thiệu sẽ giúp liên đới bài giảng với nhu cầu học tập, tăng sự chú ý của học viên.
Cần chuẩn bị phần ghi chú rõ ràng, các ví dụ minh họa, các tư liệu hình ảnh, video, âm thanh, tình huống lâm sàng phong phú để củng cố cho bài giảng.
2.1.5. Nghiên cứu kỹ chuyên đề
Với vai trò là báo cáo viên, giảng viên, mặc định chúng ta được xem là chuyên gia của lĩnh vực đang báo cáo. Điều này đồng nghĩa chúng ta phải chuẩn bị tốt nội dung bài báo cáo và sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến chủ đề. Bài giảng có thể chỉ đơn giản là kiến thức cơ sở về cơ chế bệnh sinh, giải phẫu học, sinh học, tâm lý xã hội... Đến các cấp học cao như là đối với học viên sau đại học, bài giảng cần tập trung vào các kiến thức tổng hợp, phối hợp giữa lý thuyết vào giải quyết tình huống thực tế. Hiện yêu cầu trong y khoa là kiến thức cần phải được cập nhật với các khuyến cáo mới, tổng hợp được bằng chứng của y học chứng cớ của các nghiên cứu mới nhất.
Phần soạn nội dung báo cáo là phức tạp. Tuy nhiên, phần trả lời câu hỏi mới là thách thức thật sự đối với báo cáo viên, giảng viên. Thông thường câu hỏi sẽ không giới hạn trong phần lý thuyết mà mở rộng ra giải quyết những vấn đề liên hệ với kiến thức đa ngành, liên hệ với tình huống thực tế mà việc giải quyết cần có thêm thông tin bối cảnh – tính thực tế và tính khả thi. Do vậy, để trả lời câu hỏi thì chúng ta cần phải có kiến thức rộng và kinh nghiệm thực tế.
Bài báo cáo cần có các tình huống lâm sàng minh họa, video hoặc hình ảnh của chủ đề để giúp dễ theo dõi và kích thích sự tham gia của học viên.
2.1.6. Chuẩn bị bài báo cáo
Cơ bản bài học viết sách luôn có thông tin đầy đủ, phong phú. Mặc dù là tác giả, chúng ta không thể nhớ chi tiết những gì chúng ta viết trong bài học – sách. Thực tế thời gian giới hạn của buổi giảng cũng không thể đủ để đọc tất cả nội dung của bài học – sách giáo khoa. Do vậy buổi giảng nên là thời điểm để thực hiện những gì mà sách không làm được, đó chính là sự tương tác với người học, phát triển mở rộng nội dung theo sự quan tâm của người học.
Do vậy bài báo cáo trình chiếu (powerpoint) cần được thiết kế theo định hướng đó. Cụ thể là nên trình bài nội dung ở dạng ý tưởng với những câu viết ngắn, chỉ viết ý không thành câu đầy đủ, tuyệt đối hạn chế chép nguyên văn nội dung trong sách – bài giảng vào trong bài trình bày. Việt phát triển ý sẽ do giảng viên thực hiện trong buổi giảng
Mỗi màn hình chỉ nên có giới hạn số dòng nội dung (thông thường <7 dòng nội dung). Điều này hạn chế học viên dùng thời gian để đọc nội dung, ảnh hưởng không thể nghe được lời giảng viên nói (bình thường não chỉ làm hiệu quả 1 việc tại 1 thời điểm, nếu đọc thì không nghe, nếu nghe thì không đọc). Do vậy chỉ nói những gì không ghi và chỉ ghi những gì không nói. Sử dụng linh hoạt hình ảnh – video và hoạt cảnh để minh họa cho bài giảng.
Hãy thể hiện cấu trúc bài giảng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện cho người học xác định được vị trí nội dung trong cấu trúc bài giảng. Thông thường phần mục tiêu và tổng quan sẽ bắt đầu bài giảng, phần tổng kết sẽ nằm ở cuối bài giảng. Hình thức trình bày cần thống nhất về màu sắc, kiểu chữ và vị trí trình bày. Khuyến khính sử dụng màu sắc tương phản để rõ nội dung. Mỗi màn hình trình chiếu nên có thời gian hiện diện ít nhất 30s để theo dõi. Hạn chế các hình động vì không phù hợp cho người lớn tuổi, gây sao lãng hơn là tạo tập trung.
Theo nguyên tắc học tập của người lớn, các thông tin cần được liên kết để hỗ trợ hình thành trí nhớ - kiến thức lâu dài. Do vậy chúng ta có thể lồng ghép các kiến thức đã biết, liên kết với kiến thức mới thông qua các diễn giải – ví dụ, kết nối các chủ đề với nhau giúp hỗ trợ người học.
Mỗi buổi giảng có nguồn lực cố định do vậy nên có mục tiêu khả thi. Chỉ nên đưa vào điểm chính cho mỗi bài giảng. Với thời lượng 45-50 phút của một tiết giảng, thông thường chỉ nên có 2-3 mục tiêu – điểm nhấn chính. Các nội dung của bài giảng sẽ được thiết kế xoay quanh các trục mục tiêu – điểm nhấn này.
Tốc độ trình bày cần hợp lý, không quá nhanh, không quá chậm và không đều đều dễ gây cảm giác nhàm chán. Tốc độ trình bày vào khoảng 120-180 chữ/phút, nên thay đổi lúc nhanh, lúc chậm tùy thời điểm. Bên cạnh đó, ở một số thời điểm cần có sự chú ý và suy nghĩ của học viên, chúng ta có thể có khoảng lặng (không nói) trong vài giây.
2.1.7. Những vấn đề khác cần chú ý trước buổi giảng
Ghé tham quan lớp học, làm quen với cách bố trí của phòng học. Dự tính cách thực tương tác – di chuyển trong lớp học. Tìm hiểu các thiết bị nghe nhìn sẵn có trong lớp, kiểm tra kết nối, đảm bảo sử dụng được.
Có kế hoạch dự phòng. Hiện nay chúng ta sử dụng bài trình chiếu để hỗ trợ cho buổi giảng, thay thế cho bảng phấn, giúp sinh động và tăng tính hiệu quả. Tuy nhiên nó cũng cần phải có thiết bị hỗ trợ và điện. Vì lý do nào đó bị mất điện tại buổi giảng, chúng ta vẫn phải đảm bảo thực hiện được buổi học.
Thực hành trình bày trước để làm quen, biết được chổ khó trong trình bày, thời lượng cần thiết... Sử dụng hiệu quả điểm ngừng, điểm nhấn trong bài giảng, lồng ghép các ví dụ minh họa đa dạng để tạo sự lôi cuốn trong bài học... từ đó đúc kết, hoàn thiện kỹ thuật trình bày và trang bị thêm kiến thức còn thiếu.
2.2. Tại buổi giảng
2.2.1. Thu hút – duy trì sự tham gia của toàn bộ lớp học
Để tạo sự chú ý của học viên, theo nguyên tắc học tập của người lớn, chúng ta cần nêu lý do vì sao bài giảng quan trọng, vì sao kiến thức mới này sẽ giúp ích cho người học. Cụ thể, chúng ta có thể giới thiệu một trường hợp bệnh nhân cụ thể - một câu hỏi tình huống cần giải quyết và mời học viên tham gia giải quyết. Chúng ta cũng cần dành thời gian giới thiệu mục tiêu và cấu trúc bài báo cáo.
Mức độ tập của người học sẽ giảm dần theo thời gian nếu không có kích thích phù hợp. Khoảng thời gian tập trung nhất sẽ là đầu buổi, sau khi nghỉ giải lao, khi có hoạt động tương tác và cuối buổi. Do vậy chú ý bố trí nội dung quan trọng vào các thời điểm này.
Cho phép nghỉ giải lao trong các giờ học kéo dài. Khuyến khích sinh viên di chuyển, nói chuyện với nhau hoặc đơn giản cho sinh viên thư giãn tại chỗ. Việc đưa ra giờ nghỉ giải lao cũng cho phép sinh viên bắt kịp, có thời gian để hiểu những gì đã được thảo luận trong bài học.
2.2.2. Khuyến khích mô hình học chủ động
Sử dụng mô hình đặt câu hỏi mở trước, sau đó mới trình bày nội dung. Khuyến khích học viên tham gia bằng cách đặt câu hỏi thay vì chỉ thuyết giảng đơn thuần. Trong bối cảnh tính chủ động của người học chưa cao, nên thực hiện những dạng câu hỏi ngắn, dễ trả lời vì mục đích là khuyến khích họ trả lời đúng. Để tránh gây “tổn thương” đối với người trả lời sai, chúng ta có thể nhận xét “đây là ý kiến mới... nhưng tôi cần thêm ý kiến của những ngưởi khác...”, vừa đảm bảo giữ được mục tiêu đào tạo, vừa không gây khó cho người phát biểu.
Sử dụng các câu hỏi để khuyến khích người học suy nghĩ về việc liên hệ nội dung báo cáo với kinh nghiệm bản thân, phân tích khía cạnh phù hợp – không phù hợp, khả thi – không khả thi. Tạo điều kiện cho học viên tham gia trả lời (có thể trực tiếp bằng phát biểu, gián tiếp bằng giơ tay biểu quyết hoặc ẩn danh bằng cách ghi phiếu đánh giá). Chủ động sử dụng công nghệ để thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến (sử dụng hệ thống poll biểu quyết bằng điện thoại di động, hệ thống mạng xã hội để lấy ý kiến câu hỏi mở).
Khuyến khích gửi bài báo cáo trước để học viên có thể tham khảo trước buổi học, như vậy sẽ không mất thời gian trình bày lại và có nhiều thời gian hơn cho câu hỏi và tương tác.
Khuyến khích học viên ghi chú vào sổ tay những thông tin mới - hay (không phải là chép lại nội dung của bài trình chiếu). Việc ghi chép này sẽ giúp học viên chuyển thông tin thành kiến thức, chuyển lý thuyết thành thực tế ứng với bối cảnh của học viên và cũng giúp cho họ có thể tham khảo lại khi cần. Để tránh việc học viên lạm dụng việc ghi chép mà sao lãng việc theo dõi bài giảng thì chúng ta có thể phổ biến sớm các ý sau: bài giảng sẽ được – đã được cung cấp cho học viên; cung cấp bài toàn văn cho học viên; trong bài trình bày chỉ nên đưa thuật ngữ - ý chính, không viết toàn văn; bài trình bày chỉ nêu câu hỏi suy nghĩ, hạn chế đưa phương án giải đáp.
2.2.3. Sử dụng các chiến lược trình bày hiệu quả
Cần duy trì giao tiếp bằng mắt thường xuyên với cả lớp. Đảm bảo quan sát tất cả thành viên, không nhìn thường xuyên 1 người dẫn đến cảm giác bị theo dõi. Khi đặt câu hỏi cần thực hiện tế nhị tương tác bằng mắt thể hiện sự lắng nghe, sau đó nhìn đi nơi khác để học viên có thể tập trung trả lời. Bằng cách đó, chúng ta tạo kết nối với người học, có thể đánh giá sự tập trung của học viên.
Di chuyển linh hoạt đến gần người học, di chuyển khắp các vị trí của phòng học, không dừng quá lâu tại một nơi, tốc độ di chuyển không quá chậm, không quá nhanh. Việc di chuyển này là có mục đích kích thích sự tập trung của học viên khi mà lớp học đông và có nhiều người xao nhãn, tuy nhiên không quá lạm dụng. Tránh quay lưng lại với người học khi thuyết giảng. Chúng ta cần biết rằng người học sẽ duy trì tốt sự chú ý nếu họ quan sát thấy được khuôn mặt và miệng của giảng viên. Ngoài ra các thông tin đến từ kênh ngôn ngữ không lời (động tác, sắc thái...) của giảng viên cũng quan trọng trong giúp hiểu bài giảng
Sử dụng mic và loa trong lớp học đông, không gian rộng, đảm bảo mọi người đều có thể nghe được bài báo cáo. Cũng lưu ý rằng đừng để âm thanh quá lớn sẽ làm mọi người mau mệt.
Trình bày rõ ràng, nhưng sử dụng âm giọng phù hợp. Hãy xem buổi giảng như là buổi trò truyện trao đổi hai chiều hơn là độc thoại.
Truyền đạt sự nhiệt tình, tâm huyết của giảng viên đối với chủ đề thông qua sự phong phú của thông tin, của ví dụ minh họa, của tư liệu học thuật cung cấp. Thay đổi tốc độ và cao độ giọng nói, cũng như biểu cảm trên khuôn mặt là quan trọng để thể hiện sự tương tác. Cần cân nhắc sử dụng sự hài hước khi thích hợp. Thi thoảng hỏi học viên xem có thể nghe và nhìn thấy bài báo cáo.
2.3. Sau buổi giảng
Buổi giảng cũng cung cấp cho giảng viên nhiều thông tin phản hồi về nội dung, phương pháp sư phạm đã sử dụng và chất lượng giảng dạy. Do vậy, sau buổi giảng, chúng ta có thể hoàn thiện thêm cho bài giảng để phục vụ cho những buổi khác. Những lỗi có thể hoàn thiện bao gồm
- Lỗi trình bày: chính tả, văn phong, thể thức
- Nội dung, tư liệu tham khảo
- Cập nhật thêm kiến thức mới
2.4. Kết luận
Xây dựng bài giảng hiệu quả đòi hỏi vừa kiến thức chuyên môn sâu của giảng viên – báo cáo viên, vừa cần nhiều kỹ năng phối hợp trong việc chuẩn bị, trình bày báo cáo. Do vậy, chúng ta cần thường xuyên trao dồi kỹ năng sư phạm, liên tục cập nhật kiến thức và hoàn thiện tốt nhất bài giảng.
3. Tài liệu tham khảo
Goffe, W. L., & Kauper, D., (2014). A survey of principles instructors: Why lecture prevails. Journal of Economic Education, 45(4), 360-375.
Perry, R.P., & Smart, J.C. (Eds). (1997). Effective teaching in higher education. New York: Agathon Press.
Smith, D. J. and Valentine, T. (2012). The use and perceived effectiveness of instructional practices in two-year technical colleges. Journal on Excellence in College Teaching, 23(1), 133-161.
Wammes, J. D., Boucher, P. O., Seli, P., Cheyne, J. A., &Smilek, D. (2016). Mind wandering during lectures I: Changes in rates across an entire semester. Scholarship of Teaching and Learning in Psychology, 2(1), 13-32.
|