Cấu trúc tim

(Tham khảo chính: 1. Giới thiệu về điện tâm đồ)

Giải phẫu và sinh lý hệ thống tạo nhịp tim:

Hình 1.1. Hệ thống dẫn truyền trong tim

Nguồn: theo Mescape.emedecine.

Theo như hình có thể quan sát thấy một số cấu trúc chính

  • Nút xoang
  • Nút nhĩ thất
  • Các nhánh liên nốt và nhánh Bachmann
  • Bó His và các nhánh nội thất (bó Purkinje)
  • Nút xoang (hay nút xoang nhĩ)

Do Keith và Flack phát hiện năm 1907, có hình bầu dục, kích thước 15 x 3 x 2 mm nằm ở phần trên của nhĩ phải, trước và bên gốc tĩnh mạch chủ trên, ngay dưới lớp thượng tâm mạc nên nhìn mắt thường khó phân biệt với các tổ chức xung quanh. Động mạch nuôi dưỡng nút xoang xuất phát từ động mạch vành phải trong 60% trường hợp và từ động mạch vành trái trong 40% trường hợp. Nút xoang còn nhận được rất nhiều nhánh thần kinh, chủ yếu là từ dây phế vị phải. Nút xoang chứa rất nhiều tế bào tự động gọi là tế bào P, có tần số phát xung động cao nhất trong hệ biệt hóa, cho nên thường đóng vai trò chủ nhịp chính của tim (22).

  • Những đường liên nút

 Dẫn xung động từ nút xoang qua tâm nhĩ tới nút nhĩ thất. Các tác giả mô tả ba bó như vậy: bó trước có tách ra một bó phụ sang nhĩ trái gọi là bó Bachmann; bó giữa là bó Wenkebach; bó sau là bó Thorel.

  • Nút nhĩ thất (A-V node), còn gọi là bộ nối

Còn gọi là nút Aschoff Tawara, cũng có hình bầu dục, mặt phải lõm, mặt trái lồi, kích thước 6 x 3 x 1 mm, nằm ở mặt phải của phần dưới vách liên nhĩ, ngay trên van ba lá, gần xoang vành, 1 mm dưới lớp nội tâm mạc. Nó nhận máu nuôi dưỡng từ một nhánh của động mạch vành phải trong 90% trường hợp, chỉ có 10% là của nhánh mũ trái. Nó cũng nhận được rất nhiều nhánh thần kinh tự quản như nút xoang, chủ yếu là từ dây phế vị trái. Về vi thể, nút Tawara gồm nhiều tế bào biệt hóa đan với nhau làm cho dòng điện tim đi qua đây bị chậm hẳn (vì có những vòng vào lại khóa lẫn nhau) và dễ bị khóa lại. Đặc tính cho dòng điện đi chậm lại giữ vai trò quan trọng vì nó giúp cho cơ tim tâm thất sẽ bị kích thích chậm hơn so với tâm nhĩ, cho phép dòng máu kịp đi từ nhĩ xuống thất, đảm bảo công bóp của thất được tối ưu. Bộ nối có vai trò rất quan trọng trong dẫn truyền xung động cũng như trong việc hình thành xung động: nó có tần số phát xung động cao thứ hai của tim, và có thể gây nên thoát bộ nối, ngoại tâm thu bộ nối, nhịp nhanh bộ nối, nhịp bộ nối tăng thêm.

  • Bó His

Được mô tả từ năm 1893 bởi Wilhem His, rộng 2-4 mm, nối tiếp liên tục với nút Tawara. Nó đi trong vách liên thất, ngay dưới mặt phải của vách, nên dễ bị chạm vào khi thông tim phải. Chính vì bó His nằm lệch về bên trái nên khi khử cực vách liên thất sẽ tạo dòng điện đi về bên phải, điều này tạo hình ảnh sóng dương ở đoạn đầu của phức hợp QRS tại các điện cực của thất phải. Động mạch vành phải cung cấp máu cho bó His và nhiều đoạn của phân nhánh phải. Bó His gồm những tế bào biệt hóa, vừa có những sợi dẫn truyền nhanh, vừa có những tế bào có tính tự động cao. Bó His được chia thành nhánh phải và nhánh trái.

  • Mạng Purkinje

Do các sợi phân chia của hai nhánh phải và trái đang vào nhau thành một cái lưới bao bọc toàn bộ hai tâm thất từ lớp dưới nội tâm mạc vào sâu vài milimet trong cơ tim, rồi tự kết thúc. Những tế bào biệt hóa của các nhánh His và mạng Purkinje gồm những sợi dẫn truyền là chính, nhưng cũng có nhiều tế bào mang tính tự động cao, tạo nên các chủ nhịp “tự thất”, thủ phạm các nhịp thất thụ động (thoát thất) cũng như chủ động (nhanh thất, ngoại tâm thu thất,...).